Thứ Tư, 20/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 1/6/2022 21:26'(GMT+7)

Triển khai các biện pháp làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Thực hiện chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành cả ngày 1/6 để thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ và nội dung của báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đồng thời, đánh giá mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát và Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay.

CHẬM GIẢI NGÂN TRONG THỰC HIỆN CÁC GÓI HỖ TRỢ PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI

Nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đã nêu thực trạng vấn đề chậm giải ngân trong thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Quốc hội đã thảo luận và khẩn trương thông qua Nghị quyết này nhưng đến nay vẫn chưa qua được vòng thủ tục, triển khai rất chậm.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, đại biểu cho biết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021; trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%; nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước dẫn đến phát sinh phí quản lý, từ đó, phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất, phí quản lý; do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn.

"Do đó, việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân", đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá.

Trien khai cac bien phap lam lanh manh hoa thi truong chung khoan hinh anh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Nêu ý kiến đối với tình hình thị trường chứng khoán, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng thời gian gần đây, thị trường chứng khoán và một số giao dịch trong thị trường này cùng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh.

Cá biệt đã có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán, làm thiệt hại đến những người tham gia đầu tư, phần nào đó, ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đại biểu ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, trong thời gian qua đã triển khai rất nhiều biện pháp làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các cơ quan hữu quan đã có phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi thao túng và trục lợi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên, đại biểu Hạnh cho rằng đây là một vấn đề mới, sức ảnh hưởng lan tỏa rất rộng, cần tiếp tục giải quyết tình hình trên một cách triệt để.

Đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định liên quan; có giải pháp phát triển cân đối, lành mạnh hóa thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán để vừa tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp...

Đối với vấn đề nóng là giá xăng dầu, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) đề nghị đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao.

Theo đại biểu, Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, từ đó làm tăng giá thành các loại sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Để bảo đảm linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, kiềm chế lạm phát, đại biểu đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.

Theo đại biểu, việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, giá dầu thô tăng mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.

Tại phiên thảo luận, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42; cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng; tránh ảnh hưởng lớn, không thuận đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu.

Đại biểu đề nghị, để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi, tác nghiệp giữa các cơ quan, khắc phục hạn chế trong triển khai Nghị quyết thời gian qua.

"Quốc hội cần sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả Nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu", đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị.

GIẢI TỎA ÁP LỰC CHO HỌC SINH

Các vấn đề liên quan tới giáo dục - đào tạo là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) quan tâm đến áp lực học tập từ nhà trường, gia đình đến các em học sinh. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm và nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay.

"Phải chăng chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía. Có thể thấy, giáo dục ở Việt Nam chỉ có học và học mà thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, thiếu đi những không gian xanh hoạt động ngoài trời chung", đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn ở cả xã hội. Do vậy, cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa vấn đề áp lực đến trường.

Việc học tập, vui chơi chung ở cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giải trí của giới trẻ, từ đó tránh được áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.

Dẫn thông tin theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới chỉ sau tai nạn giao thông, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Trien khai cac bien phap lam lanh manh hoa thi truong chung khoan hinh anh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu mong muốn trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các chính sách tuyển nhân viên làm công tác tâm lý toàn thời gian được đào tạo bài bản tại các nhà trường.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội như tại một số quốc gia phát triển trên thế giới như Singapore, Mỹ và một số quốc gia khác, đồng thời nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với công tác nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề cập đến vai trò của đại học đối với sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có tự chủ đại học.

Theo đại biểu, việc thực hiện tự chủ đại học có nhiều kết quả tích cực, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, làm thay đổi và phát triển nhanh các trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.

Về tình hình triển khai, trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, một nội dung được dư luận rất quan tâm, đó là việc thành lập và hoạt động các Hội đồng trường.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cho biết đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có 35/35 trường đã thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động.

Hiện nay, trong số gần 200 trường thuộc các bộ, ngành quản lý và các địa phương, vẫn còn 13 cơ sở giáo dục đại học là chưa tiến hành thành lập Hội đồng trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đốc thúc và nhiều lần hối thúc các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo việc này.

Trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra cũng còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động Hội đồng trường, như người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu; việc phối kết hợp hoạt động giữa Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng và Ban giám hiệu; việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng và Ban giám hiệu; một số công việc về tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ...

Hiện nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương diện tổ chức để trường hoạt động tự chủ được tốt hơn và việc này đang được triển khai...

DU LỊCH NỘI ĐỊA LÀ "BỆ ĐỠ"

Tham gia giải trình tại phiên thảo luận ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ngành du lịch được hiểu là một ngành kinh tế tổng hợp và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh đất nước. Khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch đã chịu nhiều tác động, thiệt hại.

Trước những khó khăn đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm đến ngành kinh tế này và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, giúp đỡ, như miễn, giảm tiền điện trong thời điểm dịch bùng phát để giảm sức nặng cho các cơ sở lưu trú; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; giảm 50% phí thẩm định cấp phép lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với các cơ quan làm công tác du lịch ở các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để đề nghị cơ cấu lại, chuẩn bị thích ứng an toàn trong điều kiện khi nước ta xem xét để mở cửa.

Trien khai cac bien phap lam lanh manh hoa thi truong chung khoan hinh anh 4Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời, Bộ đã tích cực tham mưu để Chính phủ xem xét cho phép mở cửa thị trường quốc tế. Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại thị trường quốc tế và là một trong những quốc gia có độ mở nhất, tạo ra hiệu ứng tốt nhất về kiểm soát dịch bệnh khi lượng vaccine đã được bao phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, Việt Nam coi du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế trong thời điểm khó khăn. Du lịch nội địa được ví như cứu cánh, thúc đẩy và tăng đột biến trong thời điểm này, làm tiền đề cho du lịch quốc tế.

Các số liệu phân tích đã cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 200% so với cùng kỳ, song du lịch nội địa còn tăng cao hơn. Số liệu này cũng cho thấy khi kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là điểm đến an toàn.

Đề cập đến SEA Games 31, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy ngành du lịch.

Các nội dung quan trọng được thảo luận trong ngày 1/6 sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên làm việc sáng mai./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất