Để thực hiện chiến dịch trên, Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch huy
động 1.000 điểm tiêm (bàn tiêm) cố định cũng như lưu động tại các địa
điểm như trường học, nhà văn hóa..., với 200.000 người được tiêm
chủng/ngày sắp tới.
XÂY DỰNG KỊCH BẢN TIÊM TỚI 10 TRIỆU NGƯỜI
Chiều 16/6, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố
Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc cùng Sở Y tế Thành
phố về việc xây dựng kế hoạch và các công tác chuẩn bị triển khai chiến
dịch tiêm chủng 800.000 liều vaccine phòng COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực cho biết Bộ Y tế đánh
giá cao sự phối hợp giữa ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh với các bộ
phận trực thuộc Bộ trên địa bàn trong công tác tiêm chủng, theo Nghị
quyết 21 và đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Về kế hoạch tiêm chủng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường
Sơn cho biết theo chỉ đạo từ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia trong tổng
số vaccine phòng COVID-19 được đưa về Việt Nam trong đợt này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phân
bổ ít nhất 800.000 liều. Tối 16/6 vaccine về đến Hà Nội và trong sáng
17/6 sẽ được chuyển tới Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia cũng chỉ đạo ngành y tế Thành phố Hồ
Chí Minh cần xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine theo đúng
tinh thần của chiến dịch tiêm chủng (trong thời gian 5 - 7 ngày).
Kế hoạch tiêm chủng cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm
chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch
ứng trực cấp cứu…
Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết
từ trước đó ngành y tế thành phố đã xây dựng các kế hoạch triển khai
tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vaccine được
phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10 triệu liều nhằm sẵn sàng huy động
nhanh chóng các lực lượng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng phù hợp.
Đối với kế hoạch tiêm chủng 800.000 liều được phân bổ trong đợt thứ
4, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, thành phố dự kiến
thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết
yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người
trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng
khoảng 1 triệu người.
TỔ CHỨC CÁC ĐIỂM TIÊM CHỦNG TRONG CỘNG ĐỒNG
Thành phố dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm
các điểm tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với
khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho
200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.
Để thực hiện kế hoạch đó, Thành phố sẽ huy động tổng lực các lực
lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn, các bệnh viện đa
khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y
tế, trạm y tế… để đáp ứng quy mô, tiến độ đã đề ra.
Gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam trong tối 166. (Ảnh: Vietnam+)
Đối với các phản ứng bất lợi sau tiêm, tại tất cả các điểm tiêm sẽ
được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết
bị cấp cứu; bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ
phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng; tổ
chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người
đến bệnh viện khi cần thiết…
Giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí
Minh góp ý trước mắt Sở Y tế thành phố cần nhanh chóng hoàn thành tiêm
chủng với lượng vaccine được cấp trong đợt 3 như một lần thực hiện, diễn
tập chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng 1.000 điểm tiêm với
200.000 người được tiêm chủng/ngày sắp tới. Đặc biệt, thành phố cần cân
nhắc việc triển khai kế hoạch tiêm chủng lưu động tại các địa điểm như
trường học, nhà văn hóa… để tận dụng tối ưu các nguồn lực ứng trực, cấp
cứu… đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, thành phố cần vận dụng các nền tảng công nghệ thông tin,
cơ sở dữ liệu có sẵn vào kế hoạch tiêm chủng để thông tin về thời gian,
địa điểm đến đối tượng được tiêm cụ thể để hạn chế sự tập trung đông
người, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Đối với các đối tượng trên 65 tuổi, cần xin ý kiến chỉ đạo để đảm bảo
quy định về mặt pháp lý. Các nhân lực trực tiếp giải đáp thông tin liên
quan tiêm chủng cần có quy chuẩn, hướng dẫn chung đảm bảo truyền đạt
thông tin chính xác, nhất quán...
Các chuyên gia từ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cũng đã có
nhiều ý kiến góp ý giúp hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng để có thể nhanh
chóng triển khai trong thực tiễn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn
mạnh Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn bị có liên quan cần nhanh
chóng khẩn trương triển khai tổ chức các điểm tiêm, lập danh sách đối
tượng tiêm, xây dựng lịch tiêm chủng, cơ sở đảm bảo an toàn tiêm chủng,
hệ thống truyền thông trước tiêm chủng và xây dựng hotline giải đáp thắc
mắc sau tiêm chủng.
Việc tổ chức các điểm tiêm lưu động trên các địa điểm rộng rãi
(trường học, nhà văn hóa..) có thể bố trí nhiều bàn tiêm để tận dụng khả
năng hỗ trợ y tế, cấp cứu… đối với các điểm tiêm tại trạm y tế, cơ sở y
tế cũng có thể lựa chọn triển khai nếu đảm bảo đáp ứng được các yêu
cầu.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
giao Bệnh viện Chợ Rẫy làm đầu mối phụ trách làm việc với các đơn vị
trực thuộc Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực hỗ trợ
triển khai kế hoạch tiêm chủng; giao trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ
Chí Minh đảm nhận công tác tổ chức tập huấn cho toàn bộ các lực lượng
tham gia kế hoạch tiêm chủng, hoàn tất trong ngày 18/6.
Theo thứ trưởng Sơn, các đội cấp cứu lưu động được chuẩn bị sẵn sàng
để đáp ứng cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm. Dựa trên kế hoạch
về địa điểm tiêm sẽ tiến hành rà soát và bố trí lực lượng nhân sự, xe
cấp cứu cho phù hợp, trong trường hợp còn thiếu sẽ tiến hành từ các bệnh
viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn để hỗ trợ./.
(Vietnam+)