Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 20/9/2014 12:18'(GMT+7)

Triển khai đội chống sốc lưu động để hạn chế rủi ro trong tiêm chủng

Trong chiến dịch tiêm vắcxin phối hợp sởi-rubella công tác bảo quản vắcxin an toàn được đẩy mạnh. (Nguồn: TTXVN)

Trong chiến dịch tiêm vắcxin phối hợp sởi-rubella công tác bảo quản vắcxin an toàn được đẩy mạnh. (Nguồn: TTXVN)

Vắcxin phối hợp sởi-Rubella an toàn

- Xin giáo sư cho biết kết quả sơ bộ khi chương trình triển khai tiêm chủng vắcxin phối hợp sởi-Rubella tại mấy tỉnh vừa qua?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Theo kế hoạch thì từ ngày 15/9 vừa qua, chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắcxin phối hợp sởi - Rubella đã chính thức được triển khai tại một số huyện trọng điểm với quy mô nhỏ để triển khai rút kinh nghiệm trên quy mô rộng lớn.

Số liệu ban đầu trong bốn ngày vừa qua triển khai ở hai huyện Cư Kuin của Đắk Lắk và thành phố Vũng Tàu đã có khoàng 28.000 trẻ được tiêm. Tất cả số trẻ được tiêm trên đều an toàn.

Báo cáo của chúng tôi cho thấy, có 8 trường hợp bị sốt nhẹ sau tiêm ngày đầu, nhưng ngày thứ hai, thú ba  thì chấm dứt và trẻ hoàn toàn trở lại bình thường. Đợt tiêm vừa rồi các trường hợp phản ứng nhẹ với vắcxin rất ít, phản ứng nặng thì không có.

- Hiện nay, có rất nhiều người dân vẫn tỏ ra lo ngại về tính an toàn của vắcxin sởi-Rubella hay tình trạng trẻ phản ứng với vắcxin sau tiêm. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Tôi xin nhấn mạnh, vắcxin sởi - Rubella là vắcxin rất an toàn. Kinh nghiệm từ 39 nước sử dụng loại vắcxin này trên thế giới với tổng số hơn 600 triệu liều cho kết quả rất an toàn.

Còn các trường hợp phản ứng sau tiêm xảy ra chỉ là những phản ứng dị ứng quá mẫn với vắcxin. Tuy nhiên số trường hợp phản ứng như trên với tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 1 trường hợp/1 triệu liều. Thứ hai việc trẻ phản ứng sau tiêm không phải do vắcxin mà do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ như sặc sữa, bệnh lý bẩm sinh. Trẻ tử vong có thể do nguyên nhân khác chứ không phải do vắcxin gây ra.

"Tung" đội hình phản ứng nhanh

- Với đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang triển khai, ngành y tế đã có những động thái gì để khâu đảm bảo an toàn tiêm chủng được tốt và hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Để giảm thiểu tối đa phản ứng sau tiêm thì ngành y tế đã tiến hành các biện pháp bài bản từ ban hành các quy trình tập huấn đến việc giám sát triển khai.

Theo tôi, có hai vấn đề để công tác an toàn tiêm chủng được đặt ra đó là việc khám sàng lọc nhằm loại trừ bệnh sẵn có của trẻ. Vấn đề thứ hai mà chúng tôi quan tâm nhiều đến tiền sử tiêm vắcxin của trẻ, dị ứng với thực phẩm, thuốc trước đây. Chúng tôi cũng cân nhắc rất kỹ trước khi chỉ định tiêm vắcxin tránh tình trạng trẻ sốc quá mẫn với thành phần vắcxin sau tiêm.

Về việc sẵn sàng ứng phó với phản ứng sau tiêm xảy ra, ngành y tế trang bị các hộp chống sốc được cung cấp cho mỗi bàn tiêm để cấp cứu kịp thời và như vậy đa phần trẻ sẽ qua khỏi. Chương trình cũng bố trí có cả đội chống sốc lưu động ở tuyến huyện khi có vấn đề gì xảy ra ở trẻ sau tiêm thì đội chống sốc sẽ có mặt kịp thời để chuyển trẻ đến bệnh viện kịp thời.

- Vì là một chương trình triển khai trên quy mô lớn, “len lỏi” tới tất cả vùng miền, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Ông có thể cho biết công tác bảo quản vắcxin để đảm bảo an toàn tuyệt đối về chất lượng được tiến hành ra sao?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cung cấp đầy đủ dây chuyền lạnh từ trung ương đến tuyến tỉnh, xã. Đặc biệt, tại các xã xa xôi Chương trình sẽ cung cấp các phích lạnh kèm theo các tủ lạnh chuyên dụng ở các vùng có điều kiện.

Để đảm bảo an toàn, Trung tâm y tế huyện trong trường hợp khó khăn sẽ cung cấp thẳng vắcxin từ huyện đến điểm tiêm, điểm tiêm trong ngày hôm đó được bảo quản phích lạnh và sử dụng trong ngày. Chúng tôi xác định viện cung ứng theo nhu cầu hàng ngày để đảm bảo những vùng khó khăn được sử dụng vắcxin bảo quản lạnh theo đúng tiêu chuẩn.

Không bỏ sót đối tượng tiêm chủng

- Giáo sư có thể cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng này, ngành y tế đã có những giải pháp gì để tỷ lệ đạt tiêm chủng hiệu quả cao mà không bị bỏ sót đối tượng?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Theo tôi, điều cơ bản nhất là khâu rà soát đối tượng cho đúng, không bỏ sót. Một điều quan trọng nữa là cần có sự hợp tác chặt chẽ của người dân. Vì sau khi triển khai một số điểm thì nhiều bà mẹ mang con đến vẫn chưa hiểu hết vấn đề tiêm vắcxin gì và việc theo dõi sức khỏe của trẻ.

Chẳng hạn như khi cán bộ y tế gửi thư mời đến các bậc phụ huynh để điền các tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng thì có bà mẹ không điền. Do đó, theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông để các bậc phụ huynh hợp tác tốt với cán bộ y tế.

Chúng tôi cũng tiến hành rà soát đối tượng chặt chẽ để không bỏ sót, đặc biệt những nơi di biến động dân cư rất nhiều ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp với công an tại các địa phương và chính quyền địa phương để có hướng dẫn đầy đủ nhất. Thông thường việc tiêm được bắt đầu ở các trường học trước, vì tỷ lệ tiêm ở đây đạt cao, khoảng 80%.

Còn những đối tượng còn lại vì lý do chưa tiêm, hoãn tiêm sẽ được nhân viên y tế hẹn tiêm buổi khác và những trẻ không đi học thì sẽ được hẹn tiêm ở trạm y tế. Như vậy việc lập kế hoạch ở các địa phương chặt chẽ đảm bảo tiêm chủng đầy đủ ở các đối tượng đã được lập danh sách.

Khi triển khai chiến dịch rồi nếu trẻ có lý do về sức khỏe hoãn tiêm và vì tỷ lệ hoãn tiêm ở trẻ em hiện nay khá cao (10%) - như kết quả triển khai ở quy mô nhỏ ở 2 huyện vừa rồi - thì cần phải tổ chức tiêm vét giám sát chặt chẽ và tiêm vét các trẻ hoãn tiêm, nếu không rất khó đạt tỷ lệ cao đến 90%.

- Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn vì trước đây trẻ đã được tiêm mũi sởi đơn rồi thì việc tiêm thêm vắcxin phối hợp này có được không?

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Về lý thuyết, nếu trước kia trẻ đã tiêm 1 mũi vắcxin sởi đơn thì vẫn chưa được bảo vệ chắc chắn. Nếu trẻ đã tiêm hai mũi thì trẻ sẽ được bảo vệ miễn dịch với bệnh sởi nhưng không trẻ lại không được bảo vệ với bệnh rubella.

Như vậy là nếu trẻ được tiêm vắcxin phối hợp sởi-Rulella rồi thì không phải tiêm lại. Tuy nhiên, nếu gia đình nào không chắc chắn trẻ đã được tiêm phòng hai loại vắcxin trên kia chưa thì nên cho trẻ tiêm lại. Bởi việc tiêm thêm cũng không ảnh hưởng nhiều, mà còn tạo cơ hội cho trẻ có miên dịch tốt hơn.

Trong những tuần tiếp theo của tháng 9, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai ở 17 tỉnh và đầu tháng 10 thì toàn bộ các tỉnh còn lại sẽ triển khai.

(Vietnam+) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất