Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 10/9/2014 2:12'(GMT+7)

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em


Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không phải tất cả trẻ em tham gia hoạt động kinh tế đều là lao động trẻ em. Những trẻ em tham gia công việc nhẹ nhàng, không nằm trong danh mục công việc cấm sử dụng lao động trẻ em. Thời gian làm việc không quá dài, không ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, nhân phẩm trẻ em thì không được coi là lao động trẻ em. Nếu trẻ em từ 5 - 11 tuổi làm việc trên 1 giờ/ngày; từ 12 - 14 tuổi làm việc trên 4 giờ/ngày; từ 15 - 17 tuổi làm việc trên 7 giờ/ngày thì được coi là lao động trẻ em.

Hiện nay tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam ở mức 10% dân số trẻ em, thấp hơn các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, tình trạng lao động trẻ em của Việt Nam chưa tới mức trầm trọng nhưng cần phải nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ lao động trẻ em. Để làm được điều đó, giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sử dụng lao động trẻ em, rút ngắn thời gian làm việc của lao động trẻ em để trẻ em tham gia ở mức phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường chế tài xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái với quy định của pháp luật. Đặc biệt phải xây dựng các gói hỗ trợ về giáo dục có điều kiện để hộ gia đình cho con em đến trường mà vẫn có nguồn thu nhập thay thế cho lao động trẻ em.

Cũng theo ông Doãn Mậu Diệp, hiện nay Việt Nam có hai mặt hàng gồm may mặc và gạch ngói nằm trong danh sách ngành nghề sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức mà một số nước phát triển đưa ra. Dự án hỗ trợ năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm giảm tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại nước ta, đồng thời cũng hướng tới mục tiêu đưa các mặt hàng này ra khỏi danh sách thuộc ngành nghề sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và hạn chế các mặt hàng khác bị đưa vào danh sách trên.

Ông Trần Công Bình, cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, Dự án cần có chiến lược truyền thông hiệu quả, tập trung vào nhóm đối tượng đích gồm gia đình, người chăm sóc trẻ em, chủ sử dụng lao động và bản thân trẻ em để truyền thông nâng cao nhận thức. Xây dựng mô hình can thiệp trực tiếp để phòng ngừa và can thiệp tình trạng lao động trẻ em trong các khu vực ngành nghề và từng địa bàn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước vẫn còn gần 1,8 triệu lao động trẻ em, trong đó phần lớn lao động trẻ em ở vùng nông thôn. Số lao động trẻ em làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp chiếm 67% trong số này./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất