Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 12/3/2010 20:3'(GMT+7)

Triển khai giải pháp đảm bảo nước phục vụ sản xuất tại ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm mặn

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm mặn

 

Trước tính hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng  12/3 tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nông  nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL.

Theo thông báo của các ngành chức năng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ởcác tỉnh ĐBSCL đang ở mức báo động. Về khô hạn, điều đáng nói là 2 khu vực cung cấp nguồn nước cho ĐBSCL là biển Hồ và thượng nguồn sông Mekong đang ở trạng thái xuống rất  thấp, tương đương với năm 2005 (năm khô hạn nhất). Do vậy mực nước tại các vùng đầu nguồn sông Cửu Long đều xuống thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đây cũng là điều kiện để nước mặn từ biển xâm nhập vào đất liền. Đến nay, ở hầu hết các cửa sông, ven biển của ĐBSCL nước mặn đều lấn sâu vào đất liền từ 40- 60 km; độ mặn đo được là 4g- 12g/lít. Hạn, mặn đang tác động tiêu cực đến hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân muộn và lúa Xuân Hè, trong đó có hơn 100.000 ha có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất và đe dọa thiệt hại lớn về năng suất và sản lượng.

Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của hơn 4 triệu người dân trong khu vực. Hiện, ở một số nơi như các đảo của Kiên Giang người dân do thiếu nước sinh hoạt nên phải mua nước với giá 120.000 đồng/m3; ở Bình Đại là 70.000 đồng/m3. Nước mặn cũng xâm nhập cách thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang 5 km. Hạn, mặn cũng làm cho các kênh trục, kênh dẫn dòng, kênh ngang ở các địa phương bị cạn kiện, nguy có thiếu nước không chỉ cho sản xuất, sinh hoạt mà còn đe dọa trực tiếp đến việc phòng chống cháy rừng ở các khu vực rừng quốc gia.

Để phòng chống hạn, mặn có hiệu quả, các địa phương trong đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như vận hành các công trình thủy lợi điều tiết nước hợp lý; có kế hoạch ngăn mặn, trữ ngọt trong dân; đẩy nhanh việc xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng hạn, mặn gay gắt. Đối với sinh hoạt của người dân thì tổ chức các trạm cấp nước tập trung để cấp nước; yêu cầu các doanh nghiệp cấp nước có hỗ trợ 1 phần kinh phí để bà con vượt qua khó khăn khi mua nước sinh hoạt. Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Giải pháp trước mắt là tháo nước mặn, dùng máy bơm để bơm nước. Chúng tôi đã bàn với tỉnh Sóc Trăng ngăn đập giáp ranh với Bạc Liêu. Đến nay, cơ bản ngăn được mặn. Về lâu dài phải triển khai ngay hệ thống phân ranh mặn ngọt”.

Tại Hội nghị, các địa phương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ có hỗ trợ kinh phí bơm tưới cho người dân, trong đó giao cho tỉnh cấp phát, hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các công trình thủy lợi; tổ chức nạo vét thường xuyên cho các kênh nội đồng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL đang bước vào giai đoạn gay gắt. Theo dự báo phải đến trung tuần tháng 5 trong vùng mới có mưa. Do vậy, trong 2 tháng tới, tình hình khô hạn sẽ ở mức báo động; đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân để vượt qua khó khăn. Trong đó, cần chú trọng đến các biện pháp vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi; đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt; có kế hoạch bố trí lại mùa vụ hợp lý. Đối với các vùng xâm nhập mặn, cần khuyến cáo nông dân không xuống giống Xuân Hè, vùng khô hạn cần tính đến biện pháp trữ nước để bảm đảm nước tưới. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ các biện pháp hỗ trợ nông dân phòng chống hạn, mặn. Về lâu dài, Bộ cùng các ngành, các cấp sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu nói chung và phòng chống hạn, mặn cho vùng nói riêng./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất