|
Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một trong những chủ đề quan trọng mà Bộ TT&TT đã từng tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia và giao lưu trực tuyến với người dân. |
Được coi là lãnh nhiệm vụ đi tiếp Đề án 112 dang dở, các kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) do Bộ TT&TT chủ trì đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, ngắn hạn, từng bước. Kế hoạch thứ nhất đến hết năm 2008 kết thúc với một số kết quả nhất định như hoàn thiện gần 100% các trang thông tin điện tử và cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành, bộ, ngành và hầu hết các cán bộ nhà nước đã có hộp thư điện tử để liên hệ công việc.
2009 - 2010: Xây dựng các cơ quan điện tử
Kế hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt cũng xác định trong giai đoạn ngắn 2009-2010, với một số mục tiêu nổi bật như: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng các cơ quan điện tử. Đến hết năm 2010, bảo đảm trung bình 60% (năm 2009 là 30%) các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử.
Đến năm 2010, đảm bảo 80% các trang thông tin điện tử của các cơ quan cấp bộ, các UBND cấp tỉnh có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và DN; đảm bảo 90% (năm 2009 là 80%) các vụ, văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, các tỉnh và các cuộc họp của các bộ với các cơ quan trực thuộc cũng phải đảm bảo thực hiện từ xa, như đã tiến hành lần đầu tiên vào phiên họp tháng 3/2009 vừa qua.
Trong giai đoạn 2009-2010, ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, gồm: cấp giấy đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép đầu tư; giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; giấy phép xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; giấy đăng ký ô tô, xe máy; đăng ký tạm vắng, tạm trú; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giấy đăng ký hành nghề y dược và cấp giấy phép hoặc dịch vụ đặc thù.
Kế hoạch cũng đề ra biện pháp từng bước xây dựng nền tảng phục vụ CPĐT như: hoàn thành việc xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; xây dựng và nâng cấp các mạng LAN và mạng diện rộng của các cơ quan nhà nước và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT điển hình cấp huyện để phổ biến rộng rãi.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, kế hoạch đề ra phương án tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin; bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; nghiên cứu xây dựng chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; và đẩy mạnh ứng dụng đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức.
2015 sẽ là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4!
Bản kế hoạch cũng đề ra định hướng đến năm 2015, trong đó xác định ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và DN, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 hoặc 4, người dân và DN có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ, thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng.
Ngoài ra, CNTT cũng được khai thác triệt để tính tối ưu để đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin trong các cơ quan nhà nước, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, đất đai, tài chính, kinh tế, công nghiệp và thương mại tạo nền tảng triển khai CPĐT, từng bước tích hợp các hệ thống thông tin, tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành chung của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, DN...
Ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt, VietNamNet có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT:
- Thưa ông, một số mục tiêu đề ra trong kế hoạch như: triển khai 80% dịch vụ công cấp 2 và một số dịch vụ công cấp 3 (cấp các loại giấy phép qua mạng)... liệu có thể thực hiện được và thực hiện đồng đều tại tất cả các địa phương, bộ, ngành không?
|
ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT. |
Ông Nguyễn Thành Phúc: Tôi cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Đây là mức đề ra trung bình đối với cả nước, vì vậy sẽ có bộ, ngành, địa phương đạt cao hơn mục tiêu này, và tương ứng sẽ có nơi đạt thấp hơn mức trung bình cả nước.
- Kế hoạch đã được Chính phủ duyệt. Vậy, việc phổ biến triển khai thực hiện tại các địa phương, cơ quan nhà nước như thế nào? Ngân sách cho việc này đã được phân bổ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Phúc: Về việc phân bổ ngân sách, Chính phủ đã có những quy định rõ ràng. Đó là QĐ 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 nêu như sau:
- Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí để triển khai thực hiện những dự án, nhiệm vụ mang tính quốc gia phục vụ cho cả hệ thống. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương thực sự khó khăn, trên cơ sở nhu cầu của địa phương và khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ cụ thể.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động của mình từ dự toán chi ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác, nếu có.
- Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện các dự án, nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động thuộc phạm vi của địa phương.
Về việc triển khai thực hiện, dự kiến trong thời gian ngắn nhất, Bộ TT&TT sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ có các dự án, nhiệm vụ mang tính quốc gia phục vụ cho cả hệ thống nêu trong Phụ lục I và 48 tỉnh có khó khăn nêu trong Phụ lục II của QĐ 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 lập dự án và dự toán cho các nhiệm vụ ứng dụng CNTT để kịp triển khai ngay trong năm 2009.
- Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, quản lý từ trung ương, ông nhận xét như thế nào về khả năng thực hiện kế hoạch này của các địa phương, bộ, ngành? Việc chi từ ngân sách tự có của địa phương có khó khăn, cản trở gì cho việc thực thi kế hoạch này không?
Ông Nguyễn Thành Phúc: Để triển khai thành công kế hoạch này cần có sự quan tâm chỉ đạo và tham gia tích cực của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để hỗ trợ các tỉnh có khó khăn về ngân sách thực hiện kế hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ TT&TT, KH - ĐT và Bộ TC để có thể nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ kinh phí cụ thể cho các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT của các địa phương này.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VietNamNet)