Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 24/5/2024 12:14'(GMT+7)

Triển khai số hóa và lưu trữ điện tử phù hợp với yêu cầu thực tế

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu là rất quan trọng, xác đáng, đóng góp vào việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng bám sát quan điểm, mục tiêu sửa đổi, nhất là tập trung sửa đổi việc quản lý, bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phù hợp với thời kỳ mới, góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp và xây dựng xã hội hiện đại.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dự thảo Luật lần này tập trung vào những nội dung về phân cấp, phân quyền; phân định cụ thể, rành mạch, phù hợp với yêu cầu, chức năng cụ thể và nhiệm vụ, chức năng của từng cấp, từng ngành và tính chất đặc thù của một số ngành như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, nhưng vẫn bám sát tính chất, đặc thù của hoạt động lưu trữ; đồng thời bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như trách nhiệm của từng chủ thể quản lý lưu trữ.

Về nghiệp vụ lưu trữ điện tử, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định đặc thù của hoạt động lưu trữ điện tử, làm rõ quá trình pháp lý của lưu trữ tài liệu số hóa và có giá trị; cụ thể hơn về kho lưu trữ và các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho công tác lưu trữ.

"Đặc biệt, chúng ta thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số thì phải quan tâm đến vấn đề kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu khi thực hiện việc số hóa và lưu trữ điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số hiện nay. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề cần thiết và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm theo quy định, vừa đảm bảo an toàn thông tin, vừa đáp ứng yêu cầu về lưu trữ đặc biệt, hay những yêu cầu về quốc phòng an ninh", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động dịch vụ lưu trữ, một số ý kiến băn khoăn về việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà cho biết, tại Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ - là tài liệu lịch sử chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, do đó cần phải được bảo đảm an ninh thông tin và quản lý chặt chẽ. Nội dung quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ được thiết kế theo các cấp độ khác nhau để phù hợp với thực tế, khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ.

Về các vấn đề như nguồn nhân lực cho lưu trữ, những chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác lưu trữ..., Bộ trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện theo quy định của Chính phủ nhưng sẽ theo phương châm “ít nhưng tinh thông”, đáp ứng được nhu cầu phát triển và sử dụng đội ngũ lưu trữ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất