Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 29/5/2019 12:35'(GMT+7)

Triển khai tuyên truyền hiệu quả, bảo đảm duy trì an ninh, trật tự, ổn định khu vực biên giới

Đồng chí Bùi Trường Giang: Công tác phân giới, cắm mốc biên giới và công tác quản lý biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, đối ngoại.

Đồng chí Bùi Trường Giang: Công tác phân giới, cắm mốc biên giới và công tác quản lý biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, đối ngoại.

Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Phân giới, cắm mốc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Kiên Giang và 320 đại biểu là đội ngũ cán bộ các sở, ban ngành, lãnh đạo đồn biên phòng, cán bộ chủ chốt các xã biên giới, các trưởng ấp, trưởng khu phố…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Trường Giang khẳng định công tác phân giới, cắm mốc biên giới và công tác quản lý biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, đối ngoại.

“Một đường biên giới được xác định và đánh dấu rõ ràng trên thực địa sẽ góp phần bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân, giúp các lực lượng chức năng hai bên quản lý biên giới hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống nhân dân hai bên biên giới.” - Đồng chí Bùi Trường Giang nhấn mạnh.

Để hội nghị thu được kết quả tốt nhất, đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị các đại biểu tham dự lớp tập huấn tập trung nắm vững những vấn đề cốt lõi của quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua; định hướng lớn, tình hình quản lý biên giới đất liền tuyến Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới; một số điểm lưu ý trong tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đất liền nói chung và tại tỉnh Kiên Giang nói riêng; phương hướng phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia; tình hình an ninh trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia và những yêu cầu đặt ra đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang trước tình hình mới.

Song song với những nội dung trên, các đại biểu cũng cần tiếp tục quán triệt tinh thần các văn kiện pháp lý và những thỏa thuận song phương có liên quan đến công tác quản lý biên giới mà hai bên đã ký kết, đặc biệt, cần quán triệt trong khi chờ đợi hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc. Duy trì ổn định tình hình trật tự, trị an trong khu vực biên giới; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, ký kết 2 văn kiện pháp lý ghi nhận toàn bộ khối lượng công việc phân giới cắm mốc đã đạt được trong Quý II -2019.

Trên cơ sở thông tin được cập nhật, đồng chí Bùi Trường Giang cũng đề nghị các đại biểu chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị và tình hình thực tế của địa phương, nhất là đối với các địa phương, đơn vị phải thực hiện công tác di dời dân cư, hoán đổi đất biên giới. Khẩn trương tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả, bảo đảm duy trì an ninh, trật tự, ổn định khu vực biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, ổn định, hòa bình, phát triển bền vững. Từ đó, đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới; sẵn sàng ứng phó với các tình huống khó khăn, đột biến có thể xảy ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị, đồng chí Mai Anh Nhịn cho biết, thời gian qua, cùng với các cơ quan, ban, ngành của Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh, quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền biên giới trên đất liền, để góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia và nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với vấn đề biên giới đất liền.

Với 2 huyện 5 xã có đường biên giới chung dài khoảng 57km, giáp 2 tỉnh Kampot và Takeo của Campuchia, công tác quản lý biên giới của Kiên Giang, nhất là sau khi hai bên đã hoàn thành ký kết các văn kiện pháp lý, đặt ra những yêu cầu mới đối với chính quyền và nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là các lực lượng trưởng ấp, người có uy tín ở các thôn, bản biên giới, đội ngũ cán bộ các xã khu vực biên giới; cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng, các đội liên ngành khu vực biên giới là bảo đảm tốt an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, không để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, kích động nhân dân, góp phần cùng các tỉnh trong toàn tuyến Việt Nam – Campuchia xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, các địa biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Ban Đối ngoại Trung ương báo cáo về quan hệ Việt Nam – Campuchia thời gian gần đây và phương hướng hợp tác trong thời gian tới; Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng trình bày chuyên đề công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới Việt Nam – Campuchia và những yêu cầu đặt ra đối với chính quyền nhân dân tỉnh trước yêu cầu của tình hình mới; Đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Bộ Ngoại giao trình bày những vấn đề trọng tâm trong công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới tuyến Việt Nam – Campuchia trong tình hình mới; Đồng chí Nguyễn Đương Kiên, Bộ Công thương trình bày phương hướng và giải pháp phát triển thương mại biên giới tuyến Việt Nam – Campuchia nói chung và tại một số địa phương trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, Đoàn khảo sát liên ngành sẽ tiến hành khảo sát và làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Đồn Biên phòng Phú Mỹ thuộc tỉnh Kiên Giang.

Việt Nam – Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ gắn bó mật thiết, không chỉ trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn cả trong quá trình  xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay. Việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia nói chung và xây dựng đường biên hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước nói riêng luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước coi trọng và quyết tâm theo đuổi.

Triển khai các nhiệm vụ chiến lược đó, hai bên đã phân giới, cắm mốc được khoảng 84% đường biên giới đất liền và đang cùng nhau nỗ lực để pháp lý hóa, ký kết 2 văn bản kiện ghi nhận toàn bộ khối lượng công việc phân giới cắm mốc đã đạt được.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đã có bước tiến lớn, đạt 4,68 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 210 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD và là một trong những nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tăng đáng kể. Đến nay, đã có 19 dự án với tổng vốn đầu tư 63,42 triệu USD.

Tại Hội nghị "Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia" lần thứ 10 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện Chính phủ hai nước khẳng định, sẽ nỗ lực thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD vào năm 2020.

Tiếp đà tăng trưởng năm 2018, Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia và các địa phương của Việt Nam đã có nhiều giải pháp để nâng cao giá trị kim ngạch thương mại trong năm 2019.

 

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất