Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 28/4/2014 3:6'(GMT+7)

Triển lãm lưu động tại đảo Trường Sa: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”

Một góc trưng bày tư liệu lịch sử - pháp lý trong không gian triển lãm lưu động tại thị trấn đảo Trường Sa

Một góc trưng bày tư liệu lịch sử - pháp lý trong không gian triển lãm lưu động tại thị trấn đảo Trường Sa

Như tin đã đưa, trong khuôn khổ chương trình “Đến với Trường Sa thân yêu” của Đoàn công tác số 5 (2014) gồm đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền Thông; Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hậu Giang và một số đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài quân đội do đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông làm Trưởng đoàn thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 từ ngày 19 đến 28-4-2014, sáng ngày 26-4-2014, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã phối hợp với Bộ Tư Lệnh Hải quân và UBND thị trấn đảo Trường Sa tổ chức lễ khai mạc Triển lãm lưu động bộ bản đồ và những tư liệu lịch sử với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”, khẳng định hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng; Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Tư lệnh Hải quân Nguyễn Ngọc Tương; đại diện Đoàn công tác Ban Truyên giáo Trung ương; Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam; Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân trên đảo; đại diện Đảng bộ và chính quyền thị trấn đảo Trường Sa dự và cắt băng khai mạc triển lãm. Các thành viên Đoàn công tác cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa tham dự lễ khai mạc và tìm hiểu các tư liệu triển lãm.


 Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” tại đảo Trường Sa Lớn
  

Với gần 120 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Các tư liệu cho thấy, các nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến, trải qua nhiều thế kỷ bị đô hộ, xâm lược đến ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, được phân thành các nhóm tư liệu chính:

- Các văn bản triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 19 châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, châu bản phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836)  hiện lưu giữ tại kho tư liệu Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) ghi rõ việc cử thủy quân với sự hỗ trợ của dân binh, dân phu đi cắm cột mốc chủ quyền với chi tiết về độ dài, độ rộng, độ dày của cột mốc (Mộc bài), nội dung viết trên cột mốc và thuyền đến nơi nào lập tức dựng cọc làm mốc. Lịch sử cho thấy, chưa có một vị Hoàng đế nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc, lại quan tâm chi ly đến việc cắm mốc chủ quyền của biển đảo như Hoàng đế Minh Mạng của Việt Nam. Các tư liệu này do Ủy ban Biên giới quốc gia nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm và hiến tặng.

- Phiên bản 05 văn bản Hán nôm từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại việc thành lập đội quân ra khảo sát các xứ của Hoàng Sa.

- Tập bản đồ gồm 60 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay. Trong đó có mảng tư liệu của Trung Quốc, giới thiệu một số bản đồ khẳng định danh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.

- Phiên bản 15 văn bản hành chính thuộc Pháp và Việt Nam Cộng hòa về việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Một số tư liệu khác trực tiếp hay gián tiếp xác định các quần đảo của biển Đông không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về quyền cai quản của An Nam. Mảng tư liệu và thư tịch cổ phương Tây tuy sưu tập chưa hết, cũng đã có đến vài trăm bản. Trong khuôn khổ triển lãm lưu động tại Trường Sa, Ban Tổ chức chỉ lựa chọn những bản đồ tiêu biểu, làm cơ sở đi sâu giới thiệu nhận thức ở mỗi giai đoạn về biển Đông, về Paracels và mối quan hệ hữu cơ về Paracels và vùng duyên hải Đàng Trong, xác nhận rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên vùng các quần đảo này.

- Không gian triển lãm hình ảnh, tư liệu về Trường Sa hôm nay, những đóng góp của ngành thông tin và truyền thông trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ cắt băng khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Triển lãm tuy chỉ giới thiệu một phần tư liệu được lựa chọn trong nguồn tư liệu hết sức phong phú và đa dạng mà chúng ta đã có, nhưng cũng đủ bằng chứng thể hiện rõ nét đây là nguồn tư liệu lịch sử, pháp lý quý giá, vừa làm cơ sở cho người xem hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử chủ quyền của Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ tiếp nối, với quyết tâm bỏa vệ đến cùng mỗi tấc đất, tấc biển thiêng liêng của tổ tông, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó khăn khôn lường của tình hình hiện nay.

Thứ Trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng bày tỏ mong muốn, Đảng bộ và chính quyền, quân và dân trên đảo Trường Sa sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá, gây ảnh hưởng tích cực giá trị lịch sử, pháp lý của bộ bản đồ và tư liệu này. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo; cán bộ, nhân dân ở đất liền; kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế khi ra thăm đảo Trường Sa hiểu rõ hơn những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cũng nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Sinh Tồn và Nam Yết (thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) mỗi đơn vị một bộ bản đồ và tư liệu lịch sử nói trên.
Phương Vinh

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi triển lãm (Ảnh: Trần Vũ Hà, Bộ Thông tin và Truyền thông)

 Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Triển lãm


 Quang cảnh Lễ khai mạc triển lãm


 Các châu bản là tư liệu lịch sử - pháp lý được trưng bày trong không gian triển lãm tại đảo Trường Sa Lớn


 Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cùng Đoàn công tác và chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn nghe giới thiệu về những bản đồ và tài liệu được trưng bày tại Triển lãm


 Đông đảo cán bộ chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa Lớn đến thăm quan Triển lãm



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất