Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Năm, 17/4/2014 15:37'(GMT+7)

Tủ sách Biên phòng - nhân lên tình yêu biển đảo

“Từ ngư dân mà ra”

Thực tế, trong quá trình hành nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên các vùng biển, nhiều ngư dân của xã An Ninh Tây (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chưa nắm được các chủ trương, chính sách về chủ quyền biển, đảo hay xác định giới hạn các vùng biển. Điều này là khởi nguồn để cấp ủy, ban chỉ huy, chiến sĩ đồn Biên phòng An Hải đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Tủ sách Biên phòng”.

Ý tưởng hay, nhưng khi triển khai, khó khăn đã nảy sinh. Đại úy Nguyễn Thanh Phương - Chính trị viên phó, đồn Biên phòng An Hải chia sẻ: “Khi cán bộ, chiến sĩ của Đồn đi xuống cơ sở khảo sát địa điểm đặt tủ sách, phát tài liệu tuyên truyền mới biết là khó. Bà con ngư dân mình có người không biết đọc, có người sau những chuyến đi biển dài ngày cũng chẳng mặn mà với sách vở gì nữa...”.

Dù khó, song cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng An Hải quyết không từ bỏ ý tưởng. Các anh tiếp tục bám địa bàn, tìm hiểu tâm lý của bà con ngư dân để tìm địa điểm xây dựng tủ sách cho hiệu quả. Đại úy Nguyễn Thanh Phương kể lại: Một lần, chúng tôi đến nhà bác Hai Đông (hiện nay là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Ninh Tây), nghe bác nói: “Để thằng cháu tôi học lớp 9, nó đọc rồi nói cho cả nhà nghe, chứ các chú tốn công đến tận nơi thế này thì vất vả mà cũng chẳng ai đọc”. Nghe đến đây, chúng tôi quyết định bàn với Ban chỉ huy Đồn cho xây dựng tủ sách ngay tại Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu. Vì ở đây tập trung đông học sinh là con em ngư dân của 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây (đều thuộc huyện Tuy An). Ý tưởng này cũng được Ban Giám hiệu Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu nhiệt tình ủng hộ, phối hợp triển khai.

Vậy là mô hình “Tủ sách biên phòng” của đồn Biên phòng An Hải ra đời với hơn 80 đầu sách, bao gồm các sách giới thiệu về Luật biên giới quốc gia; giới hạn vùng biển; quy chế về khu vực biên giới biển, các loại sách viết về những tấm gương tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

* Nhân lên tình yêu biển, đảo

Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2009) đến nay, tủ sách đã phát huy được hiệu quả tích cực. Trung bình mỗi tháng có từ 50 đến 70 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh của trường THCS và THPT Võ Thị Sáu đến đọc sách, báo và trao đổi thông tin. Nhiều tài liệu được các giáo viên bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… dùng làm tài liệu giảng dạy trong các giờ học. Cô Ngô Thị Tường Vy – Cán bộ thư viện Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu cho biết: “Đến nay, 1.700 học sinh của trường đã đến phòng thư viện nơi đặt “Tủ sách Biên phòng” để đọc và tìm hiểu các đầu sách. Một số giáo viên bộ môn cũng sử dụng nguồn tài liệu này để bổ trợ cho công tác giảng dạy”. Cũng từ tủ sách này, tình yêu biển, đảo quê hương của các em học sinh được nhân lên. Em Vũ Thị Tú Trinh - học sinh lớp 12A tâm sự: “Đối với em cũng như nhiều bạn học sinh có người thân làm nghề đi biển, cụm từ “biển đảo của Tổ quốc” thật sự thiêng liêng. Đọc sách ở “Tủ sách Biên phòng”, tuổi trẻ chúng em thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn biển, đảo. Chúng em cũng rất cảm kích trước hình ảnh những người lính Biên phòng, Hải quân, ngày đêm canh giữ, bảo vệ biên cương…” Đối với ngư dân, “Tủ sách Biên phòng” cũng là nơi để họ tìm hiểu chính sách, pháp luật biển và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền.

Ông Nguyễn Văn Mười - ngư dân thôn 2, xã An Ninh Tây chia sẻ: “Sau khi biết tủ sách, tôi đã nhờ đứa cháu học ở trường Võ Thị Sáu mượn sách về Luật biển để đọc. Tôi đã biết được các khu vực, giới hạn vùng thuộc chủ quyền của đất nước. Bản thân cũng như các bạn thuyền đã tự tin khi tham gia đánh bắt ngoài khơi. Đồng thời chúng tôi nhận thức được rằng, mình cần phải nâng cao cảnh giác, có trách nhiệm báo ngay với Bộ đội Biên phòng khi phát hiện tàu thuyền lạ vào khu vực chủ quyền của Việt Nam ”.

Với sức lan tỏa và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hiện nay, đồn Biên phòng An Hải đang triển khai nhân rộng mô hình này tại các trung tâm học tập cộng đồng của các địa phương để nhiều ngư dân có điều kiện tiếp cận.

*Cần thêm sự chung tay

Thời gian qua, nhằm duy trì hoạt động của tủ sách, đồn Biên phòng An Hải và Ban giám hiệu Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu đã thành lập Ban quản lý gồm 7 người để sưu tầm và bổ sung nguồn tư liệu. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu tìm hiểu của các em học sinh.

Cô Ngô Thị Tường Vy – Cán bộ thư viện Trường cho biết: “Nhu cầu đọc sách của các em là rất lớn. Nhưng sách ở đây một số thông tin đã cũ rồi, các em muốn có thêm tài liệu, sách, báo mới để cập nhật thông tin…”. Đại úy Nguyễn Thanh Phương - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng An Hải, chia sẻ: “Hiện nay nguồn tư liệu của tủ sách còn khá khiêm tốn (khoảng 100 đầu sách), hầu hết các sách ở đây được lấy từ tủ sách của Đồn. Nhiều đơn vị cũng đã hứa tài trợ thêm nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được. Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà xuất bản… hỗ trợ thêm nguồn tư liệu để trang bị cho tủ sách, phục vụ bạn đọc...”

Mô hình “Tủ sách Biên phòng” là một cách làm hay của đồn Biên phòng An Hải. Điều đó đang góp phần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, làm nền tảng vững chắc xây dựng nền biên phòng toàn dân. Đây cũng là nguồn lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương, gắn kết các thế hệ người dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo Việt Nam./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất