Triển lãm nhằm giúp công chúng nhận diện một cách hệ thống, toàn diện về
bản sắc và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đồng
thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hướng tới việc Tổ chức Giáo
dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc xem xét công nhận đây là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 25/12, Bảo tàng tỉnh Nam Định phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
khai mạc triển lãm chuyên đề “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt
- Bản sắc và giá trị.”
Triển lãm nhằm giúp công chúng nhận diện một cách hệ thống, toàn diện về
bản sắc và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đồng
thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hướng tới việc Tổ chức Giáo
dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc xem xét công nhận đây là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Triển lãm trưng bày 3 phần chia làm các nội dung chính là Nam Định -
Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu; Bản sắc và giá trị của di sản (Mẫu -
Tâm - Đẹp - Vui) và hoạt động nghiên cứu khoa học, vinh danh di sản.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, tín ngưỡng
thờ Nữ thần - Mẫu do cộng đồng người Việt sáng tạo từ lâu đời, là sản
phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên và xã hội của cư dân nông nghiệp
lúa nước với điều kiện sống và môi trường tự nhiên xung quanh.
Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc.
Đó là tâm thức “Uống nước nhớ nguồn,” trong đó người Mẹ - Mẫu là trung
tâm.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự tích hợp nhiều hình thức văn
hóa dân gian bản địa như âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, nghề thủ
công truyền thống, trang phục, kiến trúc, ẩm thực… mà tiêu biểu là nghi
lễ Chầu văn - một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo và mang đầy tính
thiêng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có sự phát triển lâu dài và gắn bó chặt chẽ với nền
văn minh lúa nước. Nam Định là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ
Mẫu lớn với nhiều địa điểm thờ phụng, đặc biệt Quần thể Phủ Dày là nơi
hội tụ nhiều giá trị vật thể và phi vật thể của tín ngưỡng này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến đánh giá
triển lãm là hoạt động ý nghĩa, không chỉ truyền đạt tri thức văn hóa
truyền thống mà còn có giá trị kết nối cộng đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cần có kế hoạch nghiên cứu,
tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tại
Việt Nam nói chung và tục thờ Mẫu tại Nam Định nói riêng; phát huy giá
trị của các di sản bằng cách xây dựng các đề án kết nối bảo tàng với các
di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, tạo thành các tuyến điểm
tham quan phục vụ giáo dục và du lịch.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã trao 22 giấy
khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm,
bảo tồn các hiện vật và giá trị của đạo Mẫu./.
(TTXVN)