Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 14/12/2015 21:5'(GMT+7)

Phát hiện thêm nhiều dấu tích kiến trúc quy mô lớn ở Hoàng thành

Nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ với bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng làm năm 1467. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ với bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng làm năm 1467. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Về địa tầng, các nhà khảo cổ học tiếp tục xác định tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX; trong đó đáng lưu ý, các tầng đất đắp thời Lý rất dày (1,15 mét) và tầng đất đắp thời Đại La thế kỷ IX-X dày khoảng 0,5 mét.

Về di tích, trong lần khai quật này, Viện Khảo cổ học cũng xác định rõ thêm cấu trúc và quy mô của các dấu tích kiến trúc thời Lý. Các nhà khảo cổ học khẳng định, đường nước lớn thời Lý (được phát hiện trước đó) có cấu trúc phức tạp hơn dự kiến ban đầu rất nhiều. 

Lần này, đường nước chiều Đông-Tây xác định chính xác dài 83 mét. Các dấu tích kiến trúc thời Lý năm 2015 xuất lộ thêm 2 móng cột lớn. Điều này cho thấy ngay bên ngoài đường nước lớn đã có các kiến trúc thời Lý khá quy mô.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần mới, rất quy mô, thể hiện rõ nhất là dấu tích các dải nền hoa chanh và tường gạch, trong đó dấu tích hoa chanh có xu hướng phát triển rộng. Tuy nhiên, trong một hố khai quật nhỏ cũng chưa thể xác định rõ quy mô và cấu trúc của các dấu tích này.

Riêng ở thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, Viện Khảo cổ học đã làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian Chính điện Kính Thiên khi phát hiện móng tường Lê sơ khá kiên cố, rộng 1,7m, dày 1,2-1,4m; xác định rõ các gian nhà của hành lang thời Lê sơ bắt góc về phía Đoan Môn; các gian nhà hành lang thời Lê Trung Hưng nằm chồng lên kiến trúc thời Lê sơ…

Năm 2015, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000m2, nhằm nghiên cứu khu vực không gian Chính điện Kính Thiên. 

Như vậy, cuộc khai quật năm 2015, nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2002 đã đem lại các nhận thức có tính đột biến đối với việc nghiên cứu các dấu tích của Kinh đô Thăng Long./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất