Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 13/2/2015 8:55'(GMT+7)

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2015

        

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2014

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 đã cho thấy những chuyển biến tích cực thể hiện rõ nét qua một số điểm nổi bật như sau:

Một là, hệ thống thể chế kinh tế có những bước tiến rõ nét. Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, giúp thi hành Hiến pháp 2013, xây dựng nền hành chính công lành mạnh, và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng như: Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp sửa đổi; Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi...

Hai là, các chỉ số kinh tế vĩ mô đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013 (cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013). Trong đó, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. CPI tháng 12-2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013. Tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 22-12-2014 tăng 15,99% so với tháng 12-2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 16,13%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,62% (cùng kỳ năm 2013 tăng 12,51%); huy động vốn tăng 15,76% (cùng kỳ năm 2013 tăng 17,23%).

Ba là, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có kết quả tích cực.Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm qua hằng tháng. Đến cuối năm 2014, nợ xấu của toàn hệ thống dự báo ở mức 2,5-2,7%. Mặt bằng lãi suất, gồm lãi suất huy động và cho vay, có xu hướng giảm.Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tiếp tục tăng. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả, khả năng an toàn vốn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tái cơ cấu đầu tư đạt kết quả vững chắc. Tỷ trọng đầu tư công trong GDP giảm xuống tiệm cận mức mong muốn. Giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển/GDP đạt bình quân 31,5%. Năm 2014, ước đạt 30,1%. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước trên tổng vốn đầu tư xã hội năm 2013 đạt 40,4%, dự kiến duy trì ở mức khoảng 40% trong năm 2014; nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) tiếp tục giảm xuống.

 Năm là, tái cơ cấu doanh nghiệp đi vào thực chất.Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp được 92 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ doanh nghiệp nhà nước được công khai hóa. Tổng số nợ phải trả theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp nhà nước năm 2013 là khoảng 1,515 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012, và gấp 1,45 lần vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty có gần 299.000 tỷ đồng nợ phải thu, tăng 2% so với năm 2012.

 Sáu là, đầu tư nước ngoài tiếp tục thu hút được những dự án lớn, có công nghệ tiên tiến. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 15-12-2014, cả nước có 1.588 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,6 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Đồng thời, đã có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,58 tỷ USD, bằng 62,4% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ và tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 là 17 tỷ USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 1,9% so với kế hoạch. Đây là một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay. Việt Nam cũng đã cấp mới cho 108 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,04 tỷ USD và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 564 triệu USD. Trong khi đó, tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm cả cấp mới và tăng vốn đã đạt trên 1,604 tỷ USD. Một số dự án lớn, với giá trị đầu tư lớn được cấp phép như: Dự án đầu tư tại khu công nghiệp Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD; Dự án công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 1,4 tỷ USD.

 Bảy là, các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra mạnh mẽ. Một loạt dự án, doanh nghiệp lớn đã được mua bán, sáp nhập, như: Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan dự kiến chi 357 tỷ đồng để chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Foods). Bên mua trong nhiều thương vụ sáp nhập, gồm doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

 Tám là, xuất nhập khẩu đạt ngưỡng kỳ vọng trong xu thế hội nhập mạnh mẽ. Tính chung cả năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước.

 Chín là, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Cùng với một loạt văn bản mới về thị trường bất động sản, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi. Số lượng giao dịch có cải thiện đáng kể. Nhiều dự án đã khởi động lại, chủ yếu trong phân khúc căn hộ nhỏ và vừa. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa bàn chứng kiến rõ nét nhất việc giao dịch tăng lên. Các dự án đã hoàn thành, ở những vị trí tốt; những dự án nhà giá thấp; một số dự án nhà cao cấp nhưng do các doanh nghiệp lớn thực hiện và ở những vị trí tốt, đã có  giao dịch tốt, nhất là về thời điểm cuối năm. Giá bất động sản đã không giảm nữa; các gói khuyến mại đã được cắt bỏ.Các luồng tiền đã được vận hành vào thị trường bất động sản. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 1220,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP.

 Mười là, kiều hối tiếp tục tăng. Năm 2014, khả năng mức kiều hối chạm 12 tỷ là có thể đạt được. Đây là nguồn lực quan trọng, cần thiết cho nền kinh tế trong bối cảnh tái phục hồi, giúp tác động đến đầu tư và đặc biệt không bị rút ra khỏi lãnh thổ nên không có hiệu ứng “vốn bay” khi nền kinh tế có biến động. Hơn nữa, nguồn này tiếp tục cho thấy năm sau cao hơn năm trước.

Mười một là, ngân sách có thể hụt thu do giá dầu giảm nhưng có thể bù lỗ bằng những biện pháp khác. Đây là vấn đề mới, phát sinh ngoài khả năng tác động của nền kinh tế, của Nhà nước Việt Nam, nên việc hụt thu ngân sách là đáng chú ý.

Triển vọng kinh tế năm 2015

 Trong năm 2015, bối cảnh khu vực và thế giới dự báo sẽ có những tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam: xu hướng hồi phục và tăng trưởng trở lại của kinh tế thế giới ngày càng rõ nét; quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ và đi vào chiều sâu bên cạnh xu hướng hợp tác, hòa bình và hữu nghị, bối cảnh khu vực và thế giới trong năm 2015 tiếp tục tiềm ẩn nhiều xung đột; giá dầu biến động khó kiểm soát.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015, nhìn tổng thể, sẽ đi vào tăng trưởng ổn định, thể hiện qua những đặc điểm nổi bật, là: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; có thể có một xung lực mới cho nền kinh tế do hội nhập; thị trường bất động sản có thể đi lên; mua bán & sáp nhập doanh nghiệp thể trở thành xu hướng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới; một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới có thể hình thành. Về các rủi ro, hạn chế, ràng buộc phải tính đến để giảm thiểu tác động như những xung đột tiềm ẩn. Sự biến động của giá dầu theo chiều hướng đi xuống sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nền kinh tế mới nổi như Lào, Myanmar là thách thức trong việc tạo ra đột phá về thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong một vài năm tới.

Để nền kinh tế Việt Nam có bước đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong các năm tiếp theo, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:

* Giải pháp trong ngắn hạn:

  Thứ nhất, giải quyết hàng tồn kho và hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục thực hiện các chương trình giãn, kéo dài thời thời hạn nộp thuế để giảm bớt những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp đối với những trường hợp có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh nhưng khó khăn về vốn do nợ đọng. Giảm mạnh các mức thuế và phí để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và mở rộng thị trường, khuyến khích tăng tiết kiệm và kích cầu tiêu dùng. Về chính sách tiền tệ, tiếp tục hạ thấp lãi suất huy động và lãi suất cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ bản phê duyệt xong đề án tái cơ cấu của 108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (đến nay đã phê duyệt được đề án tái cơ cấu của 88 tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Đến quý III/2015, toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước được phê chuẩn phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu. Hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu đầu tư đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công. Thúc đẩy các địa phương hoàn thành xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn theo tinh thần của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB. Việc lên chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư,… được kiểm soát chặt chẽ, theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Tăng cường thu hút vốn đầu tư xã hội cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư. Triển khai mạnh mẽ Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ban hành và triển khai Chương trình đầu tư trung hạn…

 Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại. Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Hết năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức 3%. Lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý, đảm bảo hỗ trợ tốt cho nền kinh tế. An toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo, khả năng chi trả lãi vay của các tổ chức tín dụng được cải thiện. Các ngân hàng cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng đề án tái cơ cấu và đưa vào triển khai trong thực tiễn. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phái sinh. Nghiên cứu và sửa đổi Luật Ngân sách. Tăng cường đảm bảo điều hành ngân sách có thể ứng phó với sự biến động của giá dầu mỏ.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản như: Tạo dòng vốn vận hành vào thị trường. Tăng cường huy động nguồn kiều hối cho phát triển của thị trường, ban hành các chính sách về hệ thống thế chấp thứ cấp, phát triển hình thức quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Nghiên cứu, ban hành và triển khai các chính sách về ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ; từng bước hoàn thiện khung khổ pháp luật, gỡ bỏ khó khăn về thủ tục. Cho phép chia nhỏ căn hộ tại các dự án trên các địa bàn các quận mới thành lập của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Không phê duyệt dự án bất động sản mới. Xem xét, điều chỉnh giá đất theo hướng giảm; tăng cường các giải pháp về minh bạch thị trường như: tiếp tục triển khai các chỉ số thị trường bất động sản, giảm bớt tồn kho bất động sản, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực bất động sản.
         
Thứ năm, tiếp tục thực hiện các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nộp thuế, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, giấy phép xây dựng, quy trình nộp thuế và các thủ tục hành chính khác. Cụ thể hóa các quy định của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp.

* Giải pháp trong trung và dài hạn


  Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung vào cải cách thể chế, tạo lập khung pháp lý phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sau gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là gần mười năm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các cơ chế chính sách hiện đã gần tới hạn trong việc phát huy tác động, cần có một thế năng mới đối với hệ thống cơ chế chính sách. Vì vậy, cần có những đột phá trong cả tư duy, cả trong triển khai thực tiễn để tiếp tục đổi mới thể chế một cách sâu rộng và đưa cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lên một tầm cao mới để thúc đẩy phát triển kinh tế.

  Hai là, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Quá trình đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu tập trung vào ba trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; Tái cơ cấu tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại. Tăng cường tái cơ cấu hệ thống thị trường đặc biệt là thị trường bất động sản. Tái cơ cấu hệ thống phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đưa công cuộc tái cơ cấu đi vào trọng tâm và thực chất để tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng. Hướng tới nền kinh tế phát triển có chất lượng, cạnh tranh và bền vững.

   Ba là, tăng cường tính an toàn và bền vững của nợ công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa, giảm bội chi ngân sách và hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ. Giảm bội chi ngân sách nhà nước theo lộ trình cụ thể, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% và hướng tới dưới 4,5% GDP. Tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm tỷ trọng nợ nước ngoài. Tăng cường giám sát và quản lý rủi ro nợ công, đặc biệt là nợ của chính quyền địa phương.   

  Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Có chính sách quản lý, thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước. Chú trọng cơ chế phân bổ nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế hướng tới tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng hiệu quả (innovative growth) và mọi người đều được thụ hưởng từ tăng trưởng (inclusive growth).

  Năm là, phát triển khoa học công nghệ. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp một cách hiệu quả. Chú trọng các quá trình chuyển giao công nghệ và định hướng phát triển chuỗi sản xuất. Đưa công nghệ mới, công nghệ cao dần chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất kinh doanh. Chuyển dần từ trạng thái tiếp thu chuyển giao công nghệ thụ động sang chủ động lựa chọn (nhất là thông qua FDI).

TS. Trần Kim Chung

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất