Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 28/2/2013 21:59'(GMT+7)

Trình Chính phủ Đề án tổ chức chính quyền đô thị

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Chính quyền ở địa bàn đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa bàn đô thị dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội... chưa được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ, trong đó đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.

Từ thực trạng tổ chức chính quyền địa phương nêu trên, cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn.

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình đô thị, đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển của các đô thị Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sản phẩm của Đề án này cùng với kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường là cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các luật có liên quan về chính quyền địa phương.

Bộ Nội vụ xây dựng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên cơ sở nghiên cứu các văn kiện của Đảng, các Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương; kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, các đặc điểm của đô thị phân biệt với nông thôn, các đặc thù của đô thị Việt Nam hiện nay, đánh giá hiện trạng tổ chức chính quyền địa phương (trong đó có chính quyền đô thị) và tham khảo kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của các nước.

Căn cứ đánh giá hiện trạng tổ chức chính quyền địa phương và các yếu tố phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn, Đề án đề xuất 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Phương án 1, thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường trong cả nước, đồng thời để khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường hiện nay, Đề án đưa ra đề xuất mới là ở huyện, quận, phường cũng không tổ chức Ủy ban hành chính (Ủy ban Nhân dân hiện nay) mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn huyện, quận, phường.

Theo phương án 1, khu nội thành, nội thị chỉ có một cấp chính quyền (có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính), không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính trực thuộc (quận, phường). Khu vực ngoại thành, ngoại thị chỉ tổ chức cấp chính quyền ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện. Các đơn vị hành chính quận, huyện, phường không tổ chức cấp chính quyền (không có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính) sẽ tổ chức Ban đại diện hành chính của thành phố tại địa bàn quận, huyện và Ban đại diện hành chính quận tại địa bàn phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Phương án 2 thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị (mở rộng phạm vi so với phương án 1). Theo phương án 2, mỗi đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền (có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính), không tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc kể cả ở nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị. Theo đó, chỉ tổ chức cấp chính quyền (có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính) ở thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã thuộc tỉnh.

Các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong thành phố trực thuộc Trung ương và xã, phường thuộc thành phố, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức cấp chính quyền (không có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính), chỉ đặt Ban đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Phương án 3 tổ chức chính quyền đô thị có tòa thị chính, thị trưởng, quận trưởng, huyện trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn; thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là Tòa Thị chính, đứng đầu Tòa Thị chính là Thị trưởng.

Các quận, huyện, phường trong thành phố trực thuộc Trung ương và phường thuộc thành phố, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Người đứng đầu Ban đại diện hành chính quận, huyện, phường là quận trưởng, huyện trưởng và trưởng phường. Đối với xã, thị trấn vẫn tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính, người đứng đầu Ủy ban Hành chính xã là xã trưởng, người đứng đầu Ủy ban Hành chính thị trấn là trưởng thị trấn.

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị được Chính phủ cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất