(TG) – Những tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng, trong đó, tập trung giải ngân cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số dự án ODA...
Theo đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, trong tháng Chín này cần giải ngân 5.718 tỷ đồng; trong đó có 4.594 tỷ đồng theo kế hoạch đăng ký và 1.124 tỷ đồng chậm kế hoạch.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến lũy kế giải ngân hết tháng 9/2022 đạt khoảng 27.812 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân trong tháng Chín và những tháng cuối năm, Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm và các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, đường kết nối Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc…
Tính đến hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân gần 22.100 tỷ đồng, bằng 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết và tương ứng 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Được biết, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hơn 50.300 tỷ đồng.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông Vận tải 31.396 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022.
Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết số vốn trên được điều chỉnh để phục vụ triển khai các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Việc điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được điều chỉnh giảm từ hơn 303.700 tỷ đồng theo kế hoạch phân bổ ban đầu xuống còn hơn 272.300 tỷ đồng. Trong số đó, vốn trong nước là hơn 241.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là gần 30.700 tỷ đồng./.
Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đợt 3 cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn cho dự án này", đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho hay.
Để thúc tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời có phương án xử lý, báo cáo các Thứ trưởng phụ trách để xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Thanh Xuân