Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 24/1/2012 12:37'(GMT+7)

Trực chiến Tết trên những chặng đường xuân

Luôn có những người "trực chiến" vào thời khắc năm mới. Ảnh: Vietnamplus

Luôn có những người "trực chiến" vào thời khắc năm mới. Ảnh: Vietnamplus

 

3 năm vào công ty, 2 năm trực giao thừa

Đinh Tiến - Quản đốc phân xưởng khai thác (xã Bản Vược và xã Cốc Mi, Bát Xát, Lào Cai) thuộc Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền còn rất trẻ. 126 CNVCLĐ, trong đó 111 lao động trực tiếp của phân xưởng đảm nhận khoan, xúc bốc, vận hành hệ thống điện, san gạt bãi thải.

Công việc chủ yếu thực hiện bằng phương tiện cơ giới, không phải làm thủ công nhưng ngày tết thì phải đảm bảo luôn có người túc trực ở các bộ phận. Mỗi ca trực có bảo vệ, công nhân và cán bộ lãnh đạo. Tiến vào làm việc tại công ty 3 năm thì 2 năm trực tết, Tiến vừa cười vừa nói: "Lúc em chưa lấy vợ thì phải trực đêm 30 tết là đương nhiên, để ưu tiên cho anh em đã có gia đình. Giờ lấy vợ rồi... vẫn tiếp tục trực đêm 30". 

Tiến bảo, lúc đồng hồ chỉ 12 giờ đêm trừ tịch, đứng ở căn phòng này nhìn bao quát toàn bộ công trường mới thấy thiêng liêng làm sao. Nỗi nhớ nhà cũng nhờ đó mà vơi đi.

Trên các công trường không hiếm những cặp vợ chồng... thay phiên nhau trực Tết vì làm ở các bộ phận khác nhau, lịch trực Tết lệch nhau. Những năm đầu mới xa gia đình, dịp xuân không thấy ai không buồn. Nhưng rồi quen đi, họ lại thấy trách nhiệm lớn lao khi ở lại đảm nhận công việc để người khác được vui vầy bên người thân.

Tết vẫn nhanh chóng, an toàn và bí mật

Với chức năng, nhiệm vụ phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin, liên lạc giữa T.Ư Đảng và Chính phủ với các quan, ngành, các cấp, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn, bí mật, CBCNVC của Bưu điện T.Ư có lịch làm việc... trùng khít với lịch nghỉ Tết của cả nước.

Cũng như mọi năm, Tết năm nay Hà Quang Huy - 23 tuổi, làm công tác vận chuyển công văn, tài liệu của Bưu điện T.Ư lại vắng mặt bên mâm cỗ gia đình đêm 30 Tết.

Anh cùng một số đồng nghiệp sẽ đảm nhận công việc chuyển phát công văn hỏa tốc. Vất vả và có đôi chút chạnh lòng mỗi khi tiếng trống báo hiệu giao thừa đến phát lên từ tivi, nhưng Huy vẫn có niềm tự hào không phải ai cũng có được.

Ông nội Huy - Hà Đăng Đống là một trong những giao thông viên đầu tiên làm việc khi bưu điện T.Ư mới được thành lập. Ngày ấy, để chuyển công văn, tài liệu đi các tỉnh, ông nội Huy đã từng đạp xe đạp vào tận Quảng Bình.

Bố Huy là Hà Minh Tiến làm bưu tá chuyển phát công văn, tài liệu của Bưu điện T.Ư. Có lẽ, chính truyền thống gia đình đã truyền cho Huy lòng nhiệt tình, nhất là vào những đêm cuối năm khi bạn bè cùng trang lứa sánh vai đi chơi ngoài phố.

Ông Trần Quang Minh - Phó Giám đốc Bưu điện T.Ư cho biết, ngày thường Bưu điện T.Ư tổ chức phát, chuyển 7.000-8.000 công văn, tài liệu, ngày Tết số lượng này ít hơn nhưng lại phải đảm bảo tính nhanh chóng, chuẩn xác và tuyệt mật cao hơn. Khi CBCNVC cả nước có lịch nghỉ Tết thì CBCNVC Bưu điện T.Ư có lịch trực Tết. Nếu công văn, tài liệu hỏa tốc không kịp chuyển bằng chuyến bay cuối cùng trong năm lúc 12h trưa 30 Tết của hàng không Việt Nam, những người trực Tết sẽ phải dùng xe chuyên dụng hoặc các phương thức khác như điện bảo mật để đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn và bí mật.

Chỉ riêng tháng Tết năm Tân Mão lượng công văn, tài liệu chuyển đi từ Bưu điện T.Ư là 173.942, số lượng đến là 32.106, số lượng qua là 10.482...

... Và thông suốt những lời yêu thương

Việc trực Tết đã trở thành chuyện... bình thường với anh chị em CNVCLĐ đang làm việc trên 60 trạm của Công ty viễn thông liên tỉnh (VNT). Bởi VNT phải đảm bảo thông tin viễn thông liên tỉnh phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, phục vụ yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh.

Cái giá lạnh, yên tĩnh đến nao lòng ở những trạm có độ cao hơn mặt nước biển hơn 1.000 mét hay ở vùng rừng núi hiu quạnh không làm nản lòng những người đang đảm bảo thông suốt cho những tin nhắn, cuộc gọi đầy yêu thương của nhân dân cả nước.

Anh Dương Hoàng Hùng - Phó Trưởng tuyến viễn thông Hoàng Liên Sơn kể lại, những ngày trực tết cũng như những ngày thường anh em phải đi xe máy hàng chục cây số để kiểm tra đường cáp trên địa bàn phức tạp, đồi núi hiểm trở. Do mức độ quan trọng của việc đảm bảo thông tin nên luôn phải có người trực Tết, nhưng anh em sẵn sàng thay phiên nhau để ai cũng có khoảng thời gian quây quần bên gia đình đón xuân, dù thời gian đó ngắn ngủi.

Đợt trực thứ nhất từ 28-30 Tết, tuyến luôn đảm bảo 50% quân số; đợt hai, từ mùng 1-3 Tết thì anh em thay phiên nhau.

Ở Trung tâm Viễn thông khu vực 2, có những điểm đặc biệt quan trọng như Đài viễn thông Cần Thơ, Đài viễn thông An Giang thì ngoài lực lượng trực ca là CNVCLĐ của trung tâm, còn phải tăng cường trực kỹ thuật, trực ứng cứu thông tin. Chính anh chị em là những người xử lý kịp thời nếu xảy ra trường hợp đứt cáp quang.

Ông Trần Văn Thứ - Chủ tịch Công đoàn trung tâm cho biết, ngoài chế độ của Nhà nước, trung tâm luôn có quà từ 200.000-300.000 đồng cho một tổ trạm trực Tết.

Thu Trà - Thu Hương (Lao động)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất