Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 22/1/2012 17:52'(GMT+7)

Đôi nét về ẩm thực ngày Tết của người Thái Mường Sang

Cá là một trong những món ăn quan trọng của người Thái. Ảnh: VH

Cá là một trong những món ăn quan trọng của người Thái. Ảnh: VH

 

Nhắc đến Sơn La khiến người ta liên tưởng đến những cô gái Thái xinh đẹp với bộ váy cóm, khăn piêu thổ cẩm rực rỡ sắc mầu, thấp thoáng sau màn sương mờ ảo có mái nhà sàn ẩn hiện hình Khau Cút… Đông đi qua, xuân dịu dàng theo cơn gió tràn về từng nóc nhà, thoảng mùi nếp thơm len lỏi từng con ngõ. Trong không khí của tiết trời se se lạnh đồng bào dân tộc Thái Mường Sang quê hương tôi đang chuẩn bị những nhu yếu phẩm cuối cùng đón chào một mùa xuân mới - Tết Nhâm Thìn.

Xuân về, nguời Thái lại quây quần bên nhau trong căn nhà nhỏ. Ảnh: VH


Phút giao thời đang đến gần, cái tết là dịp để mọi người đến gần nhau hơn, xóa bỏ mọi hiềm khích trong cuộc sống, cùng bên nhau chúc những lời chúc tốt đẹp hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Cũng là cành đào mốc hồng thắm biểu trưng cho sự nồng ấm yêu thương, cây mía xanh - chiếc cầu nối liền với tổ tiên gia tộc, trên ban thờ không thể thiếu tấm vải thổ cẩm, hoa ngô đồng, hoa thoan- biểu trưng cho sự thịnh vượng miền rừng núi sơn cước. Cũng là những cặp bánh trưng mang sắc thái riêng bản địa,chuyên chở ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, là bàn tay lao động cùng trí tưởng tượng phong phú thổi hồn vào chiếc bánh gói ghém cả đất trời, với khát vọng về một tương lai sáng lạn. Bánh không gói đơn lẻ mà được gói 2 chiếc chập đôi với nhau, hình hơi gù. Chuyện xưa kể lại: ngày Tết ở một nhà nọ không có gạo để gói bánh chưng, người mẹ đã sang Bản khác để xin gạo, hai người con ở nhà đợi mãi không thấy mẹ về bèn cõng nhau đi tìm, phần bị đói, phầnbị rét, hai anh em chết lả dọc đường. Tưởng nhớ tấm lòng hiếu thảo đó, bánh trưng ngày tết của người Thái Mường Sang không gói đơn lẻ mà được gói 2 chiếc chập đôi với nhau. Nguyên liệu chính là gạo nếp mới, nhân bằng đỗ nho nhe, thịt lợn ba chỉ ướp cùng các loại gia vị, mà một trong những gia vị không thể thiếu là hạt mák khén (hạt tiêu rừng - một loại gia vị đặc trưng của người Thái nơi đây). Trong mâm cúng chủ nhà dâng một cặp bánh mới lên bàn thờ tổ tiên với một ước muốn, cả nhà khỏe mạnh, ăn nên làm ra.

Người Thái có câu: “páy kin pa, má kin lẩu” (tức là: đi ăn cá, về uống rượu). Cá được đánh bắt và chế biến thành nhiều món khác nhau, trong đó món cá lam đã khiến không ít thực khách say trong men rượu, men tình. Loại cá được chọn làm nguyên liệu là cá suối nhỏ bằng ngón tay, mang về rửa sạch, ướp gia vị, mák khén…đặc biệt không thể thiếu cây đọt (Hết ca) tước bỏ phần già lấy chân gốc non, trộn với cá đã được ướp gia vị cho vào ống lam, nút chặt lại bằng lá chuối (ống lam là các loại thân cây tre, nứa nhỏ bằng cổ tay và chọn ống cây “mạy hốc” là tốt nhất). Nướng ống lam trên than hồng và tro nóng, khoảng 30 - 45 phút cá chín, cá có mùi vị đặc trưng, hấp dẫn tất cả những thực khách khó tính nhất.

Một đặc sản trong những ngày tết phải kể đến là Thịt trâu hun khói. Sở dĩ thịt trâu được chọn làm nguyên liệu chế biến bởi nó có vị ngọt, thớ dày giàu chất dinh dưỡng. Phần thịt được chọn phải là thịt bắp đùi, mông, bả vai.
Người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng, thái dọc thớ, tẩm ướp với các gia vị khác như ớt, gừng, và không quên cho hạt mák khén, hun bằng khói của than củi trên gác bếp.

Trong mâm cơm ngày tết
không thể không nhắc đến món cơm lam thơm ngọt như tấm lòng của người con gái Thái, cơm có một lớp màng mỏng phấn của ống lam bao quanh. Ống lam được chọn là cây “mạy hốc”, gạo nếp tan, đổ nước, dùng lá chuối hoặc lá dong nút kín lại, đốt bằng lửa nhỏ. Đặc biệt, trong mâm cơm không thể thiếu bát “chẳm chéo”, không phải cao lương, cũng chẳng phải mỹ vị, “chẳm chéo” khiêm tốn là bát chấm cho mọi món ăn, sâu xa hơn nó thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó của các thành viên trong gia đình. Nguyên liệu là những gia vị dân dã, được giã trộn với nhau như: ớt tươi nướng, mắc khén, tỏi, muối, mì chính, rau thơm…

Người Thái Mường Sang vốn là tộc người rất sành ăn, món ăn của họ được chế biến vô cùng kỳ công, tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là ẩm thực trong những ngày tết. Thiên nhiên ban tặng miền đất này vốn đặc sản vô cùng phong phú, chính sự hào phóng ấy đã khiến cư dân nơi đây trở thành bậc thầy về ẩm thực. Được chế biến từ các loại nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: rau rừng, măng, nấm, rêu đá, các loại quả,…từ tôm, cua, cá, côn trùng và thú rừng... những món ăn nơi đây mang đặc trưng riêng cùng với những gia vị chuyên biệt, tạo nên một bức tranh văn hoá ẩm thực nhiều màu sắc, không kém phần thi vị.

Mỗi gia đình tuỳ theo sở thích, điều kiện để bày biện, chọn lựa các món ăn khác nhau. Tuy nhiên trong mâm cơm ngày tết thường có các món như: thịt gà luộc, thịt trâu hun khói, cá lam, mọ, xôi nếp và các loại rau, trong đó không thể thiếu bát “chẳm chéo” và mẳm. Món ăn của người Thái ở các vùng có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên trong cách chế biến và nêm gia vị ở mỗi nơi lại có sự khác nhau tạo nên nét độc đáo riêng biệt. Người Thái Mường Sang thích ăn những đồ cay, nóng như: ớt, tỏi, mắc khén, gừng, riềng; các loại lá chát như: lá sung, lá vả…măng chua cũng được coi như một loại gia vị độc đáo.

Để làm nên những món ăn hấp dẫn và thi vị như vậy họ rất cầu kỳ trong khâu chế biến, chọn nguyên liệu. Những khi có khách quý, hay các dịp lễ tết, nam giới trở thành chủ bếp bởi người Thái quan niệm nam giới là trụ cột trong gia đình có trách nhiệm gánh vác những công việc quan trọng, với tấm lòng hiếu kính có khách đến chơi nhà. Mỗi vị khách khi đặt chân đến Sơn La đều chọn cho mình một khía cạnh để khám phá, để thưởng thức. Và nét văn hóa trong ẩm thực của người Thái Mường Sang sẽ là một đề tài cho nhưng ai muốn tìm hiểu về văn hóa, cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Tết ở Mường Sang giờ không còn tiếng pháo, tiếng mìn nổ như xưa nữa, nhưng vẫn tràn ngập sắc xuân mùa lễ hội. Đồng bào đón chào năm mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Thanh đạm, an bình trong tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang rộn rã, những chàng trai cô gái hò hẹn nhau tới nhà văn hoá bản, tiếng cười đùa, nói chuyện, tay trong tay trong vòng xoè thân ái, với những câu chuyện ngày tết, những tâm sự của trai gái tuổi trăng tròn. Nhiều đoàn khách thập phương du xuân lạc đến nơi này không khỏi ngỡ ngàng trước cái tết vùng cao, để rồi “để nhớ, để thương” trong lòng người ra đi, cũng như người ở lại./.

Hoàng Trọng Đại
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất