(TG)- Mưa lớn kéo dài đã khiến các hồ nuôi cá, tôm của người dân ngập tràn, hoa màu bị ngập úng nặng. Mưa to cũng khiến một số khu vực ngập sâu, thôn 6 bị cô lập; nhiều tuyến đường giao thông bị ứ kẹt. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi của người dân bị mưa lớn cuốn trôi... gây thiệt hại nặng nề. Để hạn chết thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, chính quyền địa phương cắt cử cán bộ túc trực, sẵn sàng các phương án ứng cứu, giúp dân.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa tiếp diễn trong ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trọng tâm mưa từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, có mưa to đến rất to. Thượng lưu các sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) sẽ xuống chậm và có khả năng lên trở lại. Mực nước hạ lưu các sông tiếp tục lên.
Đến chiều nay (15/10), mực nước ở sông Ngàn Sâu còn trên báo động 3 là 2 m, sông Gianh trên báo động 3 là 1m, sông Kiến Giang trên báo động 3 là 0,4 m. Vì vậy, lưu vực các sông này tiếp tục trong vùng cảnh báo nguy cơ ngập lụt cùng khả năng lũ lớn, lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
* Mưa to gây ngập nhiều tuyến đường ở Nghệ An
Đến sáng 15/10, tại Nghệ An, trời vẫn mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập lụt nhiều tuyến đường giao thông, khu vực dân cư và đồng ruộng của người dân trên địa bàn tỉnh. Tại thành phố Vinh có nhiều tuyến đường nước ngập từ 0,1 - 0,3 m gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Tại các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn- những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhiều diện tích lúa, hoa màu đang bị ngập chìm trong nước. Hiện, mực nước trên sông Lam và các sông khác đang lên cao.
Tỉnh Nghệ An đã cảnh báo đến người dân và các địa phương, nhất là các huyện miền núi về việc có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá vào bất cứ thời điểm nào. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đề nghị Chủ tịch - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc các công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, thông báo cho các cấp chính quyền, người dân biết và thực hiện nghiêm túc theo phương án ứng phó với thiên tai.
Sáng 15/10, tỉnh Nghệ An tổ chức đoàn đi kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, sẵn sàng sơ tán người và tài sản để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bến đò, ngầm, tràn, đường ngập nước để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại khi có lũ về. Tỉnh cũng yêu cầu cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
* Hà Tĩnh: Nhiều xã ngập sâu trong nước do mưa lũ
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s – 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng từ 150 -200m3/s…. đã làm cho nhiều địa phương bị ngập nước như tại huyện Hương Khê có 11 xã nước ngập sâu từ 2 – 3m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải…
Tại huyện Kỳ Anh có hai xã bị nước lũ chia cắt là xã Kỳ Thượng và xã Kỳ Lạc; ở 3 xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn và Kỳ Tây, nhiều nơi ngập sâu từ 1m đến 1,5 m. Huyện Cẩm Xuyên có trên 1.000 nhà dân bị ngập sâu từ 0,7 m đến 1,3m. Tại huyện Thạch Hà có 10 xã bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m như xã Thạch Điền, Thạch Hương, Thạch Ngọc… Còn tại thành phố Hà Tĩnh mưa lớn cũng đã làm cho nhiều tuyến phố như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ …bị ngập sâu trên 1 m.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh trực 24/24 giờ, theo dõi, nắm chắc diễn biến mưa, lũ để chủ động có các phương án ứng phó.
* Mưa lũ, lốc xoáy gây nhiều thiệt hại tại Quảng Bình, Quảng Trị
Đến thời điểm tối 14/10, tỉnh Quảng Bình có thêm hai người chết trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Lãnh đạo xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác nhận: Vào khoảng 15h ngày 14/10, tại hồ chứa thôn Trúc Ly (xã Võ Ninh) bà Nguyễn Thị Lài, sinh năm 1969 cùng chồng là ông Trần Công Tuần chèo thuyền đi thả lưới. Mưa lớn và lốc xoáy khiến thuyền của vợ chồng ông Tuần bị chìm và bà Nguyễn Thị Lài bị chết đuối.
Ông Lê Tuấn Tôn cho biết thêm, mưa lớn kéo dài đã khiến các hồ nuôi cá, tôm của người dân ngập tràn, hoa màu bị ngập úng nặng. Mưa to cũng khiến một số khu vực ngập sâu, thôn 6 bị cô lập; nhiều tuyến đường giao thông bị ứ kẹt. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi của người dân bị mưa lớn cuốn trôi...gây thiệt hại nặng nề. Để hạn chết thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, chính quyền địa phương cắt cử cán bộ túc trực, sẵn sàng các phương án ứng cứu, giúp dân... Trước đó, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 14/10, tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, ông Thái Xuân Năng (62 tuổi) đi dắt bò về, lúc lội qua ngầm tràn giữa thôn 3 và thôn 4 Yên Thọ đã bị nước cuốn trôi, mất tích.
Đêm 14/10, Quảng Bình mưa lớn vẫn tiếp diễn, nhiều người bị thương, giao thông gặp khó khăn, các đoạn đường trong thành phố Đồng Hới vẫn ngập sâu. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi khác của bà con bị mưa lớn cuốn trôi. Các bản làng như Rục (huyện Minh Hóa), Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aki, Cà Ròng… địa bàn Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) bị chia tách, cô lập hoàn toàn. Nước đầu nguồn dâng cao làm ngập hàng ngàn ngôi nhà của dân; trong đó có hơn 200 nhà ở xã Cao Quảng và xã Mai Hoá (huyện Tuyên Hóa), 45 nhà ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 20 nhà ở các xã Phù Hóa, Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch); thị trấn Ba Đồn có 600 ngôi nhà bị ngập từ 0.8-2.0 m, 100 nhà tại thôn Biểu Lệ và xã Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn; con số thiệt hại trên địa bàn tỉnh do mưa lớn gây ra chưa có thống kê cụ thể...
Những hộ dân sống ở các khu vực nguy hiểm như xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) đã sơ tán 78 người đến nhà cao tầng. Người dân ở vùng chợ các thôn Cù Lạc 1, Cù Lạc 3, Xuân Tiến (xã Sơn Trạch); 50 hộ dân sống ven sông ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) và 150 hộ dân ở xã Thanh Hoá (huyện Tuyên Hóa) đã được chỉ đạo, di dời đến nơi an toàn.
Tại Quảng Trị, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đã có trên 450 nhà dân bị tốc mái và nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp, lâm nghiệp bị đổ ngã, vật nuôi bị chết… Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy khiến hơn 450 nhà dân tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, thị xã Quảng Trị... bị tốc mái. Trong đó, có 55 nhà bị tốc mái nặng và đổ sập, còn lại hư hỏng một phần. Bên cạnh đó, lốc xoáy khiến 7 điểm trường và 1 hội trường hợp tác xã bị tốc mái; khiến 3 người dân tại huyện Triệu Phong bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, cây công nghiệp của người dân bị ngã đổ, hư hại…
Hiện do mưa lớn kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các con sông như: Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải... đang lên nhanh, đạt đỉnh. Bà Nguyễn Thị Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Hiện nay, trên địa bàn mưa lớn khiến xã Triệu Thành bị ngập sâu trong nước. Có một số nơi ngập sâu trên 1m, một số tuyến đường bị chia cắt như ở xã Triệu Giang, Triệu Thành. Hiện tại, chính quyền huyện Triệu Phong đã tiến hành sơ tán 15 hộ dân ra khỏi vùng ngập sâu về nơi an toàn; đồng thời, tăng cường lực lượng và phương tiện để thực hiện 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.../.
TG tổng hợp