Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 9/10/2016 15:12'(GMT+7)

Nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Na Hang

Trường tiểu học xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Trường tiểu học xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang).



Bí thư Huyện ủy Na Hang Vân Ðình Thảo cho biết: Sau năm năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, huyện Na Hang đã có xã Năng Khả được công nhận xã NTM, các xã còn lại đều đạt từ sáu đến chín tiêu chí, đến năm 2020 sẽ có thêm ba xã là Côn Lôn, Thanh Tương và Hồng Thái đạt chuẩn NTM và các xã còn lại đều đạt hơn 10 tiêu chí.

Ðể có được kết quả như vậy ở một huyện vùng cao còn đầy khó khăn như Na Hang là cả một vấn đề. Bởi, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện thuộc hàng thấp nhất tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, trình độ dân trí có nhiều hạn chế, giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, quan trọng, Ðảng bộ huyện đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đúng đắn, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. Huyện đã thành lập tổ công tác giúp cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo trực tiếp các xã, trong đó đặc biệt tập trung vào các xã điểm; huy động hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM. Ðể chương trình xây dựng NTM sát với thực tiễn địa phương, các cấp hội đã phát động nhiều phong trào thi đua: Huyện đoàn đã phát động phong trào “Thanh niên chung tay xây dựng NTM” gắn với những việc làm cụ thể. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng mô hình “5 không, 5 sạch”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”. Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện với phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, “CCB phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”... Các phong trào thi đua đã làm thay đổi nhận thức của người dân và hội viên, từ đó chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM.

Ðiển hình như cách làm ở xã Năng Khả. Ðây là xã đầu tiên của huyện được công nhận NTM. Chủ tịch UBND xã Năng Khả Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Ðể thực hiện được các tiêu chí xây dựng NTM ở xã vùng cao, miền núi đều khó, nhưng với Năng Khả khó nhất là xây dựng nhà văn hóa thôn, bản do đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, rất khó trong việc chọn mặt bằng; cái khó thứ hai là việc nâng cao thu nhập của người dân. Ðể vượt qua hai cái khó này, Ðảng ủy, chính quyền xã đã huy động cả hệ thống chính trị "vào cuộc" với sự phân công trách nhiệm và phụ trách địa bàn cụ thể cho nên mọi khó khăn đều đã vượt qua".

Ðể hoàn thành các tiêu chí NTM, người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, xây trường, lớp học và làm nhà văn hóa thôn, bản. Trong đó có gia đình bà Trần Thị Mai, thôn Nà Vai hiến 800 m2 ruộng lúa một vụ; bà Trần Thị Khé, thôn Nà Chác hiến 180 m2 đất ruộng hai vụ; bà Ðinh Thị Thịnh thôn Bản Tùn hiến 544 m2 đất màu đồi làm nhà văn hóa và hàng trăm hộ gia đình khác cũng hiến đất làm đường, xây trường, nhà văn hóa... Ðến nay, tất cả 16 thôn của xã đều có đường ô-tô tới trung tâm; các thôn có nhà văn hóa và đều có khuôn viên, trong đó nhiều nhà văn hóa thôn còn có cả sân tập thể thao. Ðể nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bước đầu đã tạo nên được những sản phẩm hàng hóa. Ðó là quy hoạch vùng trồng cây ngô đông và rau màu vụ đông trên ruộng, đến nay đã có diện tích 153 ha; phát triển được 23 dự án nuôi trâu, 10 dự án nuôi dê thương phẩm... Vì vậy, thu nhập của người dân năm 2015 đã đạt 18,5 triệu đồng/người/năm.

Về xã Côn Lôn, khi chương trình xây dựng NTM đang được đẩy mạnh. Ðến thời điểm này, xã đã hoàn thành được 13 tiêu chí, còn sáu tiêu chí đang được khẩn trương thực hiện. Khó khăn hơn nhiều so với xã Năng Khả bởi Côn Lôn cách xa huyện tới gần 50 km, nhưng giờ đây đường giao thông về xã đã thuận lợi nhiều, đường vào xã được nhựa hóa, đường trục thôn xóm được bê-tông hơn 85%. Hiện nay, trường học, nhà văn hóa đang được hoàn thiện theo tiêu chí. Ðây cũng là điểm chung ở các xã của huyện Na Hang khi đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn xây dựng NTM.

Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện gần 455,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp thực hiện chương trình là hơn 76 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình hơn 240 tỷ đồng, các doanh nghiệp đóng góp hơn 24,3 tỷ đồng, từ các nguồn vốn khác hơn 63,6 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 50 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng công cuộc xây dựng NTM ở Na Hang vẫn còn những khó khăn nhất định. Chủ tịch UBND huyện Na Hang Hoàng Anh Cương cho biết: "Khó nhất và cần phải được khắc phục sớm trong xây dựng NTM ở huyện là vấn đề tuyên truyền để nâng cao tính tự giác và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm, huyện đang chỉ đạo Trung tâm Ðào tạo nghề và giới thiệu việc làm tích cực phối hợp các xã mở những lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm sát với điều kiện thực tế của địa phương; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...".

Theo Hải Chung/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất