Hầu hết phụ nữ Trung Quốc đều muốn sinh nhiều hơn một con
Đánh giá cao quyết định trên, Giáo sư Nguyên Tân, Khoa Nghiên cứu phát triển và nhân khẩu học thuộc Đại học Nam Khai nhấn mạnh, chính sách dân số của Trung Quốc đang có những bước điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Chính sách dân số ngày một hoàn thiện hơn sẽ giúp Trung Quốc phát triển cân bằng hơn. Các vấn đề xã hội cũng sẽ được giải quyết. Những hệ lụy từ chính sách một con sẽ được giải tỏa.
Báo cáo về nhân khẩu học mới nhất của Trung Quốc khẳng định, hầu hết phụ nữ Trung Quốc đều muốn sinh nhiều hơn một con. Ông Giang Phàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ, 70,7% những phụ nữ được hỏi đã trả lời họ muốn sinh hai con hoặc nhiều hơn”. Phó chủ nhiệm Giang Phàm nhấn mạnh: Chế độ một con khiến những đứa trẻ cảm thấy cô độc. Những đứa trẻ khi lớn lên sẽ thấy nó là trung tâm của gia đình hai bên, nhiều thói quen xấu như ích kỷ, dựa dẫm, tự tin, nhút nhát, lười biếng… sẽ theo đó mà phát triển. Không chỉ có vậy, về lâu dài chế độ một con khiến giới trẻ Trung Quốc chịu gánh nặng khủng khiếp khi phải chăm sóc cả bố mẹ mình và bố mẹ vợ lúc về già. Trong khi đó, mô hình gia đình ngày càng thu hẹp cũng làm giảm đáng kể sức mạnh quốc gia. Bên cạnh đó, việc sinh một con khiến nhiều người lựa chọn sinh con trai, càng làm cho xã hội mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính, tạo áp lực nặng nề việc duy trì nòi giống với các thế hệ tương lai.
Ông Vương Quân, một chuyên gia kinh tế chỉ ra, tình trạng già hóa dân số, thiếu nguồn lực lao động đúng thời điểm quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng nhanh chóng khiến Trung Quốc mặc dù là nước đông dân nhất thế giới đã phải thuê hàng chục nghìn nhân công nước ngoài. Nếu không có lớp người trẻ kế cận đủ mạnh, Trung Quốc khó mà có đủ nguồn nhân lực để phát triển đất nước, làm ra sản phẩm đủ nhiều để nuôi sống bản thân và đủ lực chăm sóc những người già đang ngày một nhiều. Ông Vương Quân phân tích: Trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ có 350 triệu công dân trên 60 tuổi, vượt qua tổng số dân của nước Mỹ hiện nay. Điều này xảy ra khi tỷ lệ những người phụ thuộc vào số người trong độ tuổi lao động tăng từ 10% năm 2012 lên 40% trong năm 2050. Số lượng người chăm sóc không tăng kịp so với tốc độ già hóa dân số nên nhiều người trong số họ, đặc biệt là những người có sức khỏe kém sẽ phải tìm đến các viện dưỡng lão. Tỷ lệ người già mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và các dạng mất trí nhớ khác sẽ gia tăng. Ước tính tổng chi phí y tế cho điều trị các căn bệnh này có thể chiếm tới gần 9% GDP của Trung Quốc từ nay đến năm 2050.
Sẽ không có bùng nổ dân số
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng nhận định, việc cho phép người dân tự do sinh con thứ hai sẽ giúp Trung Quốc bảo đảm sự phát triển bền vững, toàn diện và ổn định hơn.
Nhiều người lo ngại dân số Trung Quốc sẽ bùng nổ, nhưng các nhà quản lý nước này cho rằng, sẽ rất khó xảy ra điều này. Bởi, thứ nhất, người dân nước này qua 35 năm thực hiện chính sách “kế hoạch hóa gia đình” đã thấy rõ những lợi ích của việc sinh ít con. Khi xã hội trở nên giàu có hơn, người dân sống tập trung chủ yếu ở các đô thị, các cặp đôi thường lựa chọn sinh ít con hơn. Trong bối cảnh chi phí và khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ hiện nay, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh nhiều con do lo ngại không thể nuôi dạy tốt. Giáo sư Mục Quang Tông, chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh, nới lỏng chính sách về sinh đẻ có thể sẽ không tạo ra thay đổi lớn ở các thành phố, khu vực đô thị, nhưng nó sẽ khuyến khích các bậc cha mẹ ở vùng nông thôn sinh thêm con, có thêm con, đất nước sẽ có thêm người. Thêm người là thêm sức mạnh. “Tôi không nghĩ rằng các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con, bởi ở Trung Quốc, áp lực kinh tế khi nuôi con là rất lớn, đặc biệt là những thành phố lớn”, Giáo sư Mục Quang Tông nhận định.
Hoa Huyền/QĐND