Thứ Hai, 23/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/8/2015 8:41'(GMT+7)

Trung Quốc và những toan tính đằng sau việc phá giá đồng Nhân dân tệ

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Động thái trên từ phía Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là rất kịp thời, tuy nhiên, mức nhập siêu từ Trung Quốc trong bảy tháng của năm 2015 lên tới 19,5 tỷ USD (nguồn: Tổng cục Thống kê) vẫn khiến giới chuyên gia quan ngại về việc Nhân dân tệ yếu đi sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam.

“Toan tính khôn ngoan”

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ là do nước này đang bị giảm tỷ trọng xuất khẩu so với nhiều nước khác trên thế giới. Song Việt Nam lại là nước nhập siêu từ Trung Quốc, mà về lý thuyết, nước nhập siêu phải phá giá chứ không phải nước xuất siêu. 

“Hành động này của Trung Quốc sẽ khiến cho hàng hóa của họ càng rẻ hơn, chênh lệch cán cân thương mại hai chiều sẽ càng khó lấy lại cân bằng đồng thời làm cho áp lực nhập siêu càng trở nên nặng nề hơn,” ông Bình lo lắng. 

Trong quá khứ nhiều quốc gia cũng đã sử dụng các biện pháp làm yếu đồng tiền để kích thích kinh tế tăng trưởng, như thời điểm khủng hoảng (năm 2008) Mỹ cũng đã có những động thái làm yếu đồng USD và gần đây là Nhật bản cũng có chính sách tương tự đối với đồng yen của mình. 

“Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có chính sách như vậy và họ đã thực hiện từ mấy chục năm nay. Thời điểm năm 2008, Mỹ thì khủng hoảng trong khi Trung Quốc xuất siêu, đáng nhẽ đồng Nhân dân tệ đã lên giá rất mạnh so với USD, nhưng quốc gia này đã đã gắn đồng tiền của mình vào USD. Điều này càng chứng tỏ Trung Quốc đã sử dụng chính sách giữ đồng nhân dân tệ yếu là chính sách nhất quán,” ông Bình phân tích. 

Theo ông Bình, không phải tự nhiên Trung Quốc phá giá đồng tiền và cho rằng đây là một hành động hết sức khôn ngoan trước việc đồng USD phục hồi sau gần hai năm trở lại đây. 

“Kinh tế Mỹ ổn định rõ ràng là ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, do đó hành động lần này của Trung Quốc là hết sức toan tính. Họ đã điều hành rất nhất quán với chiến lược lấy thị trường xuất khẩu làm ‘bàn đạp’ tăng trưởng,” ông Bình nói. 

Chiến tranh tiền tệ? 

Trước động thái “mạnh tay” của Trung Quốc, cụm từ “chiến tranh tiền tệ” (currency wars) được báo chí quốc tế đăng tải ồ ạt trong các bản tin sáng (12/8) khi mà cả thế giới đang dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra không chỉ ở phạm vi châu Á mà có thể lan ra toàn cầu. 

Ngay trong ngày 11/8, Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường.

Trên thị trường tiền tệ, các đồng tiền của châu Á như vừa trải qua “cơn lốc quét,” đồng rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia, dollar Singapore, dollar Đài Loan và peso của Philippines… đồng loạt trượt dốc, khi có chung một mối lo ngại về sức cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên đồng thời sức mua của nước này sẽ giảm đi, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất-nhập khẩu của các nước láng giềng. 

Công ty cổ phần Xe điện Quốc tế HK Bilke là doanh nghiệp có hoạt động xuất-nhập khẩu nhiều với đối tác Trung Quốc, nên ông Bùi Xuân Bình, Phó giám đốc chịu trách nhiệm sản xuất và quy trình, tỏ ra khá thận trọng và cho biết, mặc dù hầu hết các hoạt động thương mại hai chiều với Trung Quốc đều được thực hiện bằng USD thông qua giao dịch ngân hàng, song trong ngắn hạn các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tiết kiệm được một khoản tài chính khá lớn do hàng từ Trung Quốc rẻ đi. 

“Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ chuyển vào giá sản phẩm và người tiêu dùng đương nhiên được hưởng lợi, nhưng đây chỉ là cái lợi trước mắt. Bởi lâu dài sẽ có sự ảnh hưởng về tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng như làm gia tăng nhập siêu từ phía Việt Nam. Tôi lo lắng nhiều hơn về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ, khi đó các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ nhiều sẽ bị những ảnh hưởng nhất định,” ông Bùi Xuân Bình nhận định.

Ông Xuân Bình phân vân và chia sẻ, nếu chiến tranh tiền tệ xảy ra sẽ tạo ra sự bất ổn giữa các dòng giá cả và trên mỗi một đơn hàng cũng sẽ có những sự biến động về giá. Theo đó, mỗi kế hoạch nhập hàng đều gặp phải sự thay đổi về dòng tiền dẫn đến sự định giá sản phẩm bị sai lệch, tác động đến người tiêu dùng và tạo ra giá cả bấp bênh không ổn định. Hơn thế nữa, tình trạng này cũng liên quan đến giá trị hóa tại các công ty, khi giá trị hàng tồn kho biến động nhanh. 

Theo vị giám đốc doanh nghiệp này, trước những bất ổn như vậy, không ai dám để tồn kho lớn, vì sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh và khiến chuỗi quản trị phải thay đổi cả hệ thống.” 

Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình lại không quá bi quan và cho rằng chiến tranh tiền tệ khó có thể xảy ra. Hiện, Trung Quốc là quốc gia có mức tăng trưởng mạnh, GDP đứng thứ hai thế giới. Trong khi mỗi chính sách đồng tiền yếu để phục hồi nền kinh tế tại các quốc gia lớn đều ảnh hưởng đến toàn cầu, do vậy các quốc gia khác thực hiện “sự theo đuôi” Trung Quốc là hiện tượng bình thường. 

“Chiến tranh tiền tệ phải là sự phản ứng đối đầu giữa hai quốc gia lớn nhất hoặc giữa hai nhóm quốc gia lớn với nhau bằng những hành động trả đũa gay gắt. Còn việc các nước khác điều chỉnh mức độ phá giá tương tự như Trung Quốc để giảm bớt mức độ ảnh hưởng, tôi nghĩ không đến mức là chiến tranh tiền tệ. Tất nhiên tất cả các quốc gia dựa vào xuất khẩu họ sẽ có những phản ứng tương tự như Trung Quốc, kể cả là các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…,” vị tiến sỹ này nói./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất