Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 31/3/2012 4:31'(GMT+7)

Trung Quốc với vấn đề an ninh lương thực

 

Thời điểm đầu năm 2011 gợi lại những mối lo ngại từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, khi "bão giá" lương thực "quét" qua thế giới, gây hàng loạt vụ bạo loạn, những lệnh cấm thương mại và tâm lý hoang mang. Hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo túng. Nhiều người bị nạn đói và suy dinh dưỡng đe dọa. Ðến tháng 2-2011, chỉ số giá lương thực toàn cầu (do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ xác lập) tăng đến đỉnh điểm kể từ năm 1990. Chính phủ nhiều nước thất vọng vì giá lương thực tăng đột biến đã phá hủy thành quả một thập kỷ xóa đói, giảm nghèo của đất nước họ, gây mất ổn định xã hội. Theo các nhà phân tích, sự bất mãn bởi giá lương thực tăng mạnh đã kích động các cuộc nổi dậy lan rộng ở Trung Ðông.

Trong những năm gần đây, giá lương thực thế giới đã tăng chóng mặt, bởi ngày càng có thêm nhiều miệng ăn. Dân số thế giới từ mức bảy tỷ người hiện nay ước tính lên đến chín tỷ người vào năm 2050. Nhiệm vụ cấp lương thực cho số người đói trên thế giới, vì vậy, sẽ trở nên khó khăn và bức thiết. Mỗi nước sẽ đối mặt những khó khăn khác nhau. Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất nông nghiệp đang "chiến đấu" trên cả hai mặt trận, vừa phải đáp ứng nhu cầu tăng đột biến về lương thực do dân số ngày càng "phình ra"; vừa phải chống chọi sự sụt giảm đất canh tác, thiếu nước và các nguồn tài nguyên khác.

Trung Quốc không thể sản xuất đủ lượng lương thực cần thiết. Năm 2011, Trung Quốc vượt Ca-na-đa trở thành nước nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu nông sản tạo hơn một triệu việc làm cho nước này, dự đoán đến cuối năm nay, giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sẽ cán mốc kỷ lục mới, ước đạt 137 tỷ USD. Trao đổi thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Trung Quốc và các nước châu Phi và Mỹ la-tinh cũng tăng trong thời gian tới. Từ năm 2013, Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu ngô từ Ác-hen-ti-na.

Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng, sản xuất buộc phải tăng theo. Từ năm 2003 đến 2011, năm nào Trung Quốc cũng thực hiện được mục tiêu tăng sản lượng ngũ cốc thu hoạch, trong đó năm 2011 đạt sản lượng ngũ cốc cao kỷ lục, tới 571 triệu tấn, cao hơn 4,5% so năm 2010. Tuy nhiên, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên đe dọa mùa màng những năm tới. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo, năm 2012, Trung Quốc sẽ chịu "áp lực lớn" để bảo đảm tiếp tục gia tăng sản lượng ngũ cốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, hạt giống, nước và đất là những nhân tố cần thiết để phát triển nông nghiệp. Nhưng cả ba nhân tố trên "đang có vấn đề", trước hết là hạt giống. Từ lâu, nhiều chuyên gia nông nghiệp của Trung Quốc quan tâm vấn đề hạt giống, không phải vì năng suất mà vì xuất xứ của chúng. Trung Quốc có hơn 8.000 công ty sản xuất giống, nhưng hầu hết số này đều nhỏ và ít khả năng nghiên cứu và phát triển. Do vậy, các công ty hạt giống "nội" dễ bị tổn thương trước các tập đoàn hạt giống đa quốc gia đang "đổ xô" khai thác thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp để mang lại trật tự trên thị trường hạt giống, như khuyến khích sáp nhập các công ty để tạo thành những tập đoàn lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; hỗ trợ các công ty hạt giống lớn, v.v.

Trong sản xuất nông nghiệp, đất đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế, những mảnh đất canh tác màu mỡ của Trung Quốc chủ yếu lại tập trung ở phía bắc, nơi khan hiếm nguồn nước, trong khi sản xuất lương thực không thể thiếu nước. Một số khó khăn khác mà ngành sản xuất lương thực Trung Quốc đang đối mặt là việc bảo tồn đất nông nghiệp trước tình trạng xâm lấn mạnh mẽ do quá trình đô thị hóa; việc sử dụng hóa chất bừa bãi làm xói mòn đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm năng suất. Thời tiết xấu cũng là một nguyên nhân. Trung Quốc là một trong những nước sản xuất lương thực lớn nhất thế giới, do vậy, việc nhiều địa phương đứng đầu về sản xuất nông nghiệp ở nước này bị hạn hán năm 2011 khiến giá ngũ cốc trên thị trường thế giới biến động theo.

TRUNG QUỐC chủ trương dựa vào công nghệ để khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy ngành này phát triển. Ðể khắc phục tình trạng hiếm nước, các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc cho rằng, cần áp dụng kỹ thuật hiện đại trong công tác thủy lợi. Năm 2011, chính quyền các cấp đã chi 33,4 tỷ nhân dân tệ để bảo quản nguồn nước. Chính phủ Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn bốn nghìn tỷ nhân dân tệ trong mười năm tới để sản xuất giống, chăn nuôi, vận chuyển và lưu kho bảo quản, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, bảo đảm an ninh lương thực.

THẠCH VŨ / Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất