Thứ Bảy, 28/9/2024
Thể thao
Thứ Năm, 8/1/2009 18:5'(GMT+7)

Trước làn sóng cầu thủ ngoại nhập tịch: Lợi và hại!

Sau Santos, rất nhiều cầu thủ ngoại giờ đang tính đến việc thành “nội binh” để làm lợi cho CLB - Ảnh: Xuân Huy

Sau Santos, rất nhiều cầu thủ ngoại giờ đang tính đến việc thành “nội binh” để làm lợi cho CLB - Ảnh: Xuân Huy

Mùa 2009 hoặc chậm nhất là mùa 2010 có thể khán giả Việt Nam sẽ nghe được đoạn tường thuật sau: “... Từ sân nhà, Đoàn Văn Nirut phát bóng lên cho Đoàn Văn Sakda và cầu thủ này vượt qua Võ Quốc Issawa rồi sút tung lưới Phan Văn Santos...”.

Chuyện đấy hoàn toàn có thật bởi làn sóng nhập tịch đang là “mốt” của các CLB Việt Nam.

Cầu thủ ngoại thành nội ai có lợi?

Một đồng nghiệp có quan hệ rất tốt với các cầu thủ ngoại có thâm niên ở Việt Nam từng thuật lại câu chuyện các cầu thủ ngoại, mà đặc biệt là những cầu thủ gốc Phi và Nam Mỹ rất muốn tìm các CLB đỡ đầu và bảo lãnh mình để làm thủ tục nhập tịch. Nguyên do được chính các cầu thủ này tâm sự rất thật, đó là họ sẽ có một khoản tiền rất lớn từ ông chủ các CLB, bởi giúp cho đội bóng “chống lại” quy định một đội bóng chỉ có ba cầu thủ ngoại trên sân.

Mùa 2008, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến thủ môn gốc Brazil là Santos ra sân với cái tên Phan Văn Santos và nói như tất cả các HLV của 13 đội còn lại là Đồng Tâm được hưởng lợi, vì thực chất là họ đá với bốn cầu thủ ngoại do cái tên Santos đã trở thành cầu thủ nội.

Cách đây không lâu, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HA Gia Lai khi tâm sự với các phóng viên thể thao đã chỉ ra một so sánh rất thực tế mà nếu đặt yếu tố tiền lên trên thì việc có một cầu thủ ngoại nhập tịch sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mua một cầu thủ nội chất lượng kém hơn.

Mua một trung vệ giỏi như Vũ Như Thành phải mất ít nhất là năm tỷ đồng, trong khi để có một cựu trung vệ đội tuyển quốc gia Thái Lan là Nirut giỏi không kém và đăng ký là cầu thủ nội thì không cần phải “mua”, đồng thời việc trả lương cũng thấp hơn số tiền mà Bình Dương phải trả cho Như Thành rất nhiều.

Ở đây không phải vì đồng bath của Thái mất giá hay vì giá trị đồng của Việt Nam tăng mà cái chính là sự định giá cầu thủ của bóng đá Việt Nam có một khoảng chênh rất lớn so với các quốc gia. Một phần cũng do lượng cầu của bóng đá Việt Nam vượt quá xa so với lượng cung. Điều mà các hệ thống đào tạo giờ đang thu hẹp lại, bởi thói quen của các ông chủ ở CLB là đổ tiền mua cầu thủ dễ hơn và thực tế hơn là đào tạo nhưng chẳng sử dụng cầu thủ được lâu.

Các cầu thủ đã và đang xin nhập tịch để đăng ký là “nội binh”

- Thủ môn Fabio Santos: Đã thành cầu thủ “nội” với cái tên Phan Văn Santos.

- Tiền đạo Kesley: Công dân Brazil này đã thành rể Việt Nam từ năm 2005. Kesley với ý nguyện muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam.

- Hai cựu tuyển thủ Thái Lan Nirut và Sakda: Khác với mục đích của Kesley, trường hợp xin nhập tịch của Nirut và Sakda chủ yếu để phục vụ cho lợi ích của CLB HA Gia Lai bởi theo luật FIFA, một cầu thủ không thể khoác hai màu áo đội tuyển quốc gia (trước đó cả hai đã thi đấu cho đội tuyển Thái Lan).

- Cựu tuyển thủ Thái Lan Issawa và tiền vệ Tshamala: Sau vụ Santos thành cầu thủ nội, Đồng Tâm Long An cũng sẵn sàng “bảo lãnh” cho hai cầu thủ đang là quân số ngoại binh của mình là cựu tiền vệ đội tuyển Thái Lan Issawa và tiền vệ Tshamala.

- Cầu thủ lắm tài nhiều tật Amaobi: Cầu thủ người Nigeria này đang được Hòa Phát Hà Nội hướng dẫn thủ tục cần thiết.

- Thủ môn Mykola và tiền vệ Maxwell: Hai cầu thủ mới đầu quân cho Vinakansai Ninh Bình giờ đang được tính đến việc trở thành cầu thủ nội.

- Tiền vệ nói tiếng Việt như người Việt Abbey: Tiền vệ người Ghana từng thi đấu cho Ngân hàng Đông Á rồi sang Bình Dương, Sông Lam và nay trụ lại Khánh Hòa cũng đang làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam.

... và hại

Các nhà chuyên môn khi được hỏi thường nói sẽ có lợi cho bóng đá Việt Nam, vì sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh mà các
cầu thủ nội sẽ phải hoàn thiện mình để sánh với “nội binh” đã nhập tịch.

 Thực chất thì bóng đá Việt Nam đang hứng chịu một thiệt hại rất lớn, đó là nhà nhà cùng lo nguồn “nội binh” đến từ các quốc gia và các châu lục nhưng lại đồng loạt bỏ qua yếu tố đào tạo con người ở những tuyến năng khiếu kế thừa.

VFF nếu làm một thống kê đầy đủ chắc chắn sẽ nhìn ra những lò đào tạo một thời nay đang thoái hóa. TP.HCM, Hà Nội nay không còn đi đầu về đào tạo. Đồng Tháp tính con đường ngắn hơn nhưng thu hoạch sớm hơn mà không chịu tiếng “Công anh xúc tép nuôi cò...”. Sông Lam sau khi “trụi” một thế hệ giờ không còn mặn mà đổ tiền đầu tư bóng đá trẻ...

Phần lợi trước mắt và tức thời đã che lấp đi phần hại khi nhiều CLB đang ra sức tăng cầu thủ nội từ nguồn ngoại để lách luật.

 

VFF và BTC V-League: Không chống nhưng không vỗ tay

Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn (TQT) và Trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT Mai Đức Chung (MĐC) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về phong trào “nội hóa” cầu thủ ngoại.

* Theo ông thì hiện nay rất nhiều đội bóng nhập tịch cầu thủ ngoại như một cách vô hiệu hóa luật khống chế ba cầu thủ ngoại trên sân của VFF?

Ông Mai Đức Chung: Các CLB có suy nghĩ muốn lách luật thì... kệ người ta. Điều quan trọng là các cầu thủ ngoại nhập tịch có phù hợp với lối chơi của họ nữa hay không. Theo tôi, vấn đề Việt hóa ngoại binh có thúc đẩy nền bóng đá Việt Nam phát triển hay không còn phải chờ. Chẳng hạn như trường hợp của thủ môn Santos của Gạch vừa qua không khoác áo đội tuyển hay bây giờ hai cựu tuyển thủ Thái Lan là Nirut, Sakda của Gỗ không đủ điều kiện lên tuyển Việt Nam.

* Ông có nghĩ việc nhập quốc tịch cầu thủ ở các CLB sẽ hạn chế sân chơi và ảnh hưởng đến công cuộc đào tạo trẻ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Chúng ta không thể phân biệt đối xử bởi các cầu thủ ngoại nhập tịch cũng có đầy đủ quyền công dân. Dĩ nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế của các CLB và khi cầu thủ đã nhập tịch thì họ chơi bóng với tư cách là một cầu thủ nội. Những ngành khác cũng thế chứ không riêng gì thể thao.

Ông Mai Đức Chung: Về vấn đề Việt hóa ngoại binh, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến công cuộc đào tạo trẻ rồi và hiện nay nhiều CLB đang đốt cháy giai đoạn hơn là đầu tư cho cầu thủ trẻ. Theo tôi, VFF cần có thêm quy định cầu thủ ngoại nhập tịch phải có thời gian bao lâu mới được ra sân như nội binh. Chứ nếu cứ cái đà này, không khéo V-League tương lai là sân chơi của cầu thủ Việt gốc... ngoại.

* Các CLB tính toán khoản lót tay cho mỗi cầu thủ ngoại nhập tịch chỉ khoảng 20.000 USD (tương đương 350 triệu VND) trong khi một vụ chuyển nhượng cầu thủ nội có cùng đẳng cấp sẽ mất tiền tỷ. Đây có phải là hệ quả của thị trường nội binh bát nháo khi các đội bóng khan hiếm cầu thủ nên phá giá nhau và thả lỏng đào tạo trẻ?

Ông Trần Quốc Tuấn: Bóng đá chuyên nghiệp luôn có sự tương tác giữa chất lượng của giải (VFF quản lý và điều hành) và công cuộc đào tạo trẻ (từ phía CLB). Tất cả các quy chế của VFF đều xuất phát từ quyền lợi của CLB, thông qua thường trực và ban chấp hành rồi đến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước nên rất chặt chẽ. VFF không phải vừa đá bóng vừa thổi còi như một số người hiểu nhầm đâu.

Ông Mai Đức Chung: VFF phải nghiên cứu để hướng dẫn hoặc ra quy chế giúp các CLB đi vào một quỹ đạo chung. Bởi hiện nay tình trạng “đi đêm” và lôi kéo cầu thủ là có thật. Nhiều đội bóng có tiền chỉ muốn mua cầu thủ đá ngay và việc này không khuyến khích họ chăm lo đào tạo trẻ. Nguy hiểm hơn là các CLB cũng không muốn đào tạo cầu thủ trẻ đến khi trưởng thành người khác lấy đi.

* Theo ông thì ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam có nên hạn chế cầu thủ ngoại ra sân giúp cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội thi đấu hơn? Như bóng đá Malaysia, sau này buộc phải giới hạn ngoại binh để phát triển hơn nữa bóng đá quốc nội.

Ông Trần Quốc Tuấn: Bóng đá ở mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau và bắt buộc phải hoàn thiện theo từng giai đoạn. Theo tôi thì quy chế ở V-League cho mỗi CLB đăng ký năm, ra sân ba và hạng nhất đăng ký ba, ra sân hai là phù hợp.

Ông Mai Đức Chung: Bóng đá tại một số quốc gia Đông Nam Á ban đầu cần thiết phải cho cầu thủ ngoại ra sân như một liệu pháp thúc đẩy sự cạnh tranh và khi đã đạt mức độ nào đó thì không cần đến ngoại binh nữa. Nguyên Tổng cục trưởng TDTT Lê Bửu từng không ủng hộ việc cho cầu thủ ngoại ra sân hoặc cần hạn chế. Đơn giản các CLB cứ mua ngoại binh về ghi bàn để lấy thành tích thì đất đâu cho cầu thủ nội cọ xát. Theo tôi, nên chỉ cho đăng ký ba, ra sân hai là đẹp.

HLV Calisto: “Vấn đề là chiến lược đào tạo trẻ”

Bóng đá vốn là môn cạnh tranh rất mạnh. Ai không chấp nhận cuộc cạnh tranh thì không thể tồn tại được trong bóng đá. Vấn đề không phải là cầu thủ gốc ngoại chiếm hết suất của cầu thủ nội mà vấn đề là chiến lược đào tạo trẻ của các CLB qua sự định hướng chiến lược của LĐBĐ nước đó mới là quan trọng. Bởi đội tuyển chỉ là nơi hưởng lợi từ một chính sách đào tạo quốc gia chứ không phải chiếm suất hay mất suất của cầu thủ nội và ngoại...

Ông Trần Duy Long: “Chủ quan tính chuyện nhập tịch cho đội tuyển thì sẽ khó tìm ra bản sắc của bóng đá Việt Nam”.

Ở góc độ xã hội, nên xem đấy là chuyện bình thường. Cầu thủ nước ngoài có yêu mến, chấp nhận lối sống, phong tục tập quán... Việt Nam mới xin nhập tịch. Tôi mến phục vì họ đã cảm mến đất nước tôi, muốn thành người Việt.

Nhưng ở góc độ đội tuyển cần phải bàn bạc thấu đáo. Ngoại giỏi không có nghĩa là anh ta chơi tốt trên đội tuyển. Trường hợp Santos đã cụ thể ra rồi. Ở cấp đội tuyển phải bằng chính thực lực mình mà không có gì khác hơn là đào tạo nhiều tài năng trẻ. Đừng chủ quan tính chuyện nhập tịch vì đội tuyển, như thế mãi mãi bóng đá Việt Nam vẫn không tìm ra được bản sắc!

HLV Vương Tiến Dũng: “Cái gì cũng có hai mặt của nó”.

Góc độ xã hội, trong phạm vi cầu thủ Việt kiều về nước đá bóng thì tôi ủng hộ vì đấy cũng là một cách cống hiến vì nhiệm vụ phụng sự cho tổ quốc của công dân mang dòng máu Việt. Nhưng với cầu thủ ngoại thì có thể đấy là sự toan tính của mỗi con người, mỗi CLB... Chuyện nào cũng có hai mặt của nó.

 


Theo Nguyễn Nguyên - Công Tuấn 
(Pháp luật TP.HCM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất