* Trước tiên, ông đánh giá thế nào về thành tích 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ mà các VĐV đã giành được tại ASIAN Para Games II?
-
Phải khẳng định, đây là thành tích tốt nhất của TTNKTVN trong các kỳ
tham gia Đại hội cấp châu lục từ trước tới nay. Ngoài số lượng huy
chương có sự tăng trưởng vượt bậc, các VĐV cũng đã lập được 1 kỷ lục thế
giới và 3 kỷ lục châu Á.
Điều này cho thấy, trình độ của các VĐV
khuyết tật Việt Nam ngày càng được cải thiện và nhóm những gương mặt
xuất sắc đã đạt tới đẳng cấp thế giới và châu lục. Tôi đánh giá cao toàn
bộ các thành tích giành được ở Đại hội lần này, các VĐV, HLV đã thể
hiện một nỗ lực phi thường trong các cuộc thi đấu.
Sân chơi này,
vốn đã dành riêng cho những người luôn biết vượt qua mọi khó khăn để
chiến thắng nghịch cảnh, song tận mắt chứng kiến các cuộc thi đấu của
những người khuyết tật, chúng ta càng cảm phục hơn nữa sự cố gắng của
họ. Các VĐV Việt Nam đã thực sự làm được những điều phi thường ở ASIAN
Para Games II.
* Từng nhiều năm
gắn bó với công tác thể thao người khuyết tật, khoảnh khắc nào ở ASIAN
Para Games II khiến ông thực sự xúc động nhất?
- 26 năm gắn
bó với công tác thể thao người khuyết tật, khi được chứng kiến mỗi cuộc
thi đấu, mỗi nỗ lực vượt khó, mỗi nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của các
VĐV, tôi đều ấn tượng. Tuy nhiên, tại Incheon lần này, khoảnh khắc mà
tôi sẽ nhớ mãi không thể nào quên là hình ảnh của Lê Văn Công, sau khi
được trọng tài công nhận mức tạ 181,5kg lập nên kỷ lục thế giới mới tại
ASIAN Para Games II.
Sân chơi thể thao cho người khuyết tật mang
tính nhân văn, giúp họ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Song trong cuộc
thi đấu thể thao, không ai không tự hào và vui sướng khi VĐV giành chiến
thắng và những kỷ lục, những tấm huy chương luôn có một ý nghĩa rất đặc
biệt.
* Thể thao người khuyết
tật Việt Nam đã có bước đột phá mạnh mẽ về thành tích tại ASIAN Para
Games II và trong vai trò là một nhà quản lý, theo ông, đâu là những lý
do tạo nên thành công này?
- Trong bối cảnh còn nhiều khó
khăn của ngành thể thao cũng như của đất nước, công tác chăm sóc cho
VĐV, HLV thể thao người khuyết tật Việt Nam đang từng bước được cải
thiện tốt hơn. Năm 2014, lần đầu tiên, các VĐV được tập huấn dài hạn (từ
đầu tháng 3) và được hưởng chế độ dinh dưỡng rất đảm bảo ở mức
300.000đ/người/ngày. Cùng với đó, các VĐV cũng được tạo điều kiện tập
luyện, tập huấn tốt và đó chính là lý do giúp đoàn TTNKTVN có bước tiến
mạnh mẽ, lần đầu tiên có mặt trong tốp 10 ở Đại hội thể thao của châu
lục, đồng thời mở ra những cơ hội lớn để giành huy chương Paralympic.
Tôi
rất mừng với những thay đổi ở thời điểm hiện tại, song nói thật là cũng
có những điều lo lắng. Đa phần, đời sống và hoàn cảnh của những VĐV
khuyết tật trong đoàn đều khó khăn và có nhiều trở ngại. Nhiều VĐV dù là
người khuyết tật nhưng vẫn là trụ cột của gia đình và gánh trên vai
gánh nặng mưu sinh.
Thời gian tới, trở lại với cuộc sống đời
thường, họ sẽ lại đối mặt với nỗ lo cơm áo thường nhật và có nhiều
trường hợp không thể toàn tâm toàn ý cho việc tập luyện thể thao, nếu
cuộc sống của họ không được đảm bảo ở một điều kiện tối thiểu nào đó.
Như thế, việc chuẩn bị cho các sân chơi lớn sẽ nhiều khó khăn, thậm chí,
riêng việc duy trì thành tích cũng đã là một thách thức rất lớn nếu họ
không được tập luyện thường xuyên với chế độ như thời gian qua.
* Như vậy, theo ông, thể thao người khuyết tật Việt Nam cần thêm những gì trước mục tiêu chinh phục Paralympic vào năm 2016?
-
Như tôi đã nói, TTNKTVN đang nhận được sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn từ
các cơ quan quản lý Nhà nước trong năm qua và luôn mong muốn nhận được
sự chia sẻ, động viên từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Bởi chỉ có như
vậy, TTNKTVN mới tiếp tục duy trì và phát triển. Một mặt, chúng ta tạo
nên một sân chơi bổ ích, nhân văn, tạo điều kiện giúp người khuyết tật
rèn luyện, tăng cường sức khỏe, hội nhập cộng đồng và trở thành những
người có ích cho xã hội. Mặt khác với những người có năng khiếu đặc
biệt, cần tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao trình độ để thi đấu đem vinh
quang về cho Tổ quốc.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Thành tích của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam
(9 HCV, 7 HCB, 13 HCĐ)
HCV: 9
- Võ Thanh Tùng (5): 100m tự do, 200m tự do, 50m ngửa, 50m bướm, 50m tự do nam hạng thương tật S5 (môn bơi)
- Nguyễn Thành Trung (2): 100m ếch nam hạng thương tật SB4, 200m hỗn hợp hạng thương tật SM5 (môn bơi)
- Lê Văn Công: hạng 49kg nam (môn cử tạ) - Nguyễn Bình An: hạng 54kg nam (môn cử tạ)
HCB: 7
- Đỗ Thanh Hải: 100m ếch nam hạng thương tật SB5 (môn bơi)
- Lê Tiến Đạt: 100m ếch nam hạng thương tật SB6 (môn bơi)
- Trịnh Thị Bích Như (2): 100m ếch nữ hạng thương tật SB5, 50m bướm hạng thương tật S6 (môn bơi)
- Nguyễn Bé Hậu: ném lao nam hạng thương tật F55/56 (môn điền kinh)
- Châu Hoàng Tuyết Loan: hạng 55kg nữ (môn cử tạ)
- Đặng Thị Linh Phương: hạng 50kg nữ (môn cử tạ)
HCĐ: 13
- Võ Huỳnh Anh Khoa (3): 50m tự do, 100m tự do, 400m tự do hạng thương tật S9 (môn bơi)
- Phạm Đức Trung: đơn nam hạng thương tật SL3 (môn cầu lông)
- Phạm Hồng Tuấn/Trần Minh Nhuận: đôi nam hạng thương tật SL3,4/SU5 (môn cầu lông)
- Nguyễn Bé Hậu (2): ném đĩa nam, đẩy tạ nam hạng thương tật F55/56 (môn điền kinh)
- Nguyễn Thị Nhàn: nhảy xa nữ hạng thương tật T11-12 (môn điền kinh)
- Hà Thị Huệ: đẩy tạ nữ hạng thương tật F37 (môn điền kinh)
- Cao Ngọc Hùng: ném lao nam, hạng thương tật F57 (môn điền kinh)
- Nguyễn Thị Mai: ném lao nữ, hạng thương tật F37/38 (môn điền kinh)
- Nguyễn Thị Hoa Phượng/Việt Thị Kim Vân: Đồng đội nữ hạng thương tật T9/10 (môn bóng bàn)
- Hà Văn Hiệp/Nguyễn Thành Trung/Võ Thanh Tùng/Lê Tiến Đạt: Đội tiếp sức nam: 4x50m hỗn hợp hạng thương tật 20P (môn bơi)
Các kỷ lục của đoàn TTNKTVN tại ASIAN Para Games II
1 kỷ lục thế giới
Lê Văn Công: 181,5kg - hạng 49kg nam môn cử tạ
4 kỷ lục châu Á
- Nguyễn Bình An: 179kg - hạng 54kg nam môn cử tạ
- Nguyễn Thành Trung: 1 phút 50 giây 91 - nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB4
- Võ Thanh Tùng (2): 39 giây 45 - nội dung 50m bướm; 1 phút 21 giây 94 - nội dung 100m tự do nam hạng thương tật S5 `
|
Theo Thể thao & Văn hóa