Chương trình “Cất cánh” của VTV6 có nhiều thay đổi nhằm phục vụ khán giả trên môi trường số.
Khán giả thời đại số cần gì?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC cho biết 5 năm trở lại đây, tỉ lệ người xem chương trình giải trí trên Internet tăng cao. 84% khán giả dành thời gian cho Internet và điện thoại.
Một cuộc khảo sát của VFC cho thấy thời gian khán giả xem nội dung qua laptop (máy tính xách tay) là gần 7 tiếng, hơn 2 tiếng qua điện thoại, trong khi đó họ chỉ dành hơn 1 tiếng để xem nội dung trên tivi. Thói quen mới của khán giả buộc người làm truyền hình phải thay đổi cách sản xuất nội dung để làm sao vừa đảm bảo tính hấp dẫn, duy trì thói quen của khán giả đối với truyền hình truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ khán giả mới.
Vậy nhu cầu và thói quen của thế hệ khán giả mới trong thời đại số là gì? Qua các cuộc khảo sát trên mạng xã hội, nhà báo Diễm Quỳnh, Trưởng ban VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam nhận thấy một trong những nhu cầu giải trí lớn nhất của giới trẻ là trò chuyện. Những cuộc tranh luận, phản biện… luôn thu hút số lượng lớn người tham gia. Do đó, các chương trình khơi gợi sự tranh luận xung quanh một vấn đề mà số đông quan tâm rất hấp dẫn công chúng.
Ngoài chương trình dành cho người lớn, trong xu hướng chung, việc phát triển các nội dung giải trí cho trẻ em trở nên cấp bách. Bởi không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em hiện nay cũng là đối tượng đông đảo và tích cực của môi trường giải trí số.
Theo nhà báo Nhật Hoa, Trưởng ban VTV7 - Kênh giáo dục dành cho thanh thiếu niên của Đài Truyền hình Việt Nam, trong 10 kênh trên YouTube được nhiều người xem nhất Việt Nam thì có đến 5 kênh dành cho trẻ em. Dù có thể số lượt xem không tăng vọt trong một thời gian ngắn như các kênh người lớn, nhưng các kênh trẻ em luôn có mức tăng trưởng ổn định. Bởi trẻ em thường có thói quen xem đi xem lại nhiều lần mà không biết chán nếu chúng đã thích clip đó.
Kết quả một cuộc nghiên cứu của VTV7 cho thấy thiếu nhi chọn lựa chương trình lần lượt theo các tiêu chí sau: giải trí, hài hước, hồi hộp gay cấn, sáng tạo, sớm có tập mới… Đi kèm với những tiêu chí trên, các nội dung giải trí yêu thích của trẻ em tập trung vào phim hoạt hình, ca múa nhạc, các chương trình về đồ chơi và thử thách kỳ quặc, chương trình sáng tạo, chương trình về động vật - thú cưng…
“Tuy nhiên, có rất nhiều nội dung giải trí trên Internet không an toàn đối với trẻ em. Nội dung giải trí mang tính giáo dục, bổ ích chủ yếu do nước ngoài sản xuất, trong nước rất khan hiếm. Lợi dụng sự yêu thích của trẻ em, nhiều bộ phim hoạt hình, clip hài hước, ca nhạc vui… lồng vào yếu tố bạo lực, khiêu dâm, chuyện dung tục người lớn”- nhà báo Nhật Hoa đánh giá.
Chị dẫn chứng nhiều cô cậu bé rất thích thú khi xem các bộ phim hoạt hình có cảnh đấm đá máu me, ăn mặc mát mẻ, yêu đương trai gái và cả sex. Truyện Đôrêmon rất được thiếu nhi yêu thích. Lợi dụng điều đó, những kiểu bài hát hay truyện tranh Đôrêmon “chế” về đề tài người lớn ra đời mà không hề dán nhãn cảnh báo cho trẻ em. Nhiều em thuộc lòng bài hát phản cảm, thô tục đầy tiếng lóng mà “anh chị” tung lên mạng như “Được làm cha” (chế từ “Vợ người ta” của Phan Mạnh Quỳnh), “Đi xe ôm không”…
Do đó, nhiệm vụ của các nhà sản xuất chương trình truyền hình giải trí bây giờ không phải chỉ dừng lại ở câu hỏi trẻ em thích xem gì mà còn phải giải đáp thắc mắc: phụ huynh muốn con em mình xem gì? Rõ ràng, phụ huynh nào cũng muốn con cái xem những chương trình hấp dẫn, bổ ích, an toàn. Điều này buộc người làm truyền hình phải cố gắng dung hòa giữa thị hiếu các em và yêu cầu phụ huynh để phát triển môi trường giải trí số lành mạnh.
Truyền hình “chuyển dịch số” để thích ứng
Lợi thế của Internet chính là kết nối khán giả ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Họ có thể xem chương trình mình yêu thích một cách chủ động và tương tác trực tiếp với chương trình chứ không thụ động như xưa. Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu này, Đài Truyền hình Việt Nam đã cho ra đời nhiều kênh online như VTV Go, vtv.vn, VTV Giải trí, đồng thời xây dựng các fanpage trên Facebook cũng như các ứng dụng mobile app…
Rất nhiều nội dung của VTV được xây dựng hoặc thay đổi theo yêu cầu của khán giả. Chương trình “Bữa trưa vui vẻ” là một ví dụ. Chương trình phát trực tiếp với định dạng không khác mấy kiểu livestream trên nền tảng Facebook giúp khách mời giao lưu trực tiếp với khán giả sau máy quay.
Hay từ hiệu ứng tích cực trên fanpage và bình luận dưới mỗi tập “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” và mới đây là bộ phim cũ “Phía trước là bầu trời” trên YouTube, ekip làm phim đã quyết định làm thêm phần ngoại truyện để tri ân khán giả.
Từ nhu cầu trò chuyện, tranh luận của khán giả trên môi trường số, chương trình “Cất cánh” - nơi để mọi người tranh luận xoay quanh một chủ đề - của VTV6 ra đời. Nhà báo Diễm Quỳnh cho hay “Cất cánh” được tổ chức thành hai định dạng. Một định dạng ghi hình và phát lại trên tivi cho đối tượng khán giả truyền thống. Một định dạng dành cho môi trường số, ở đó chương trình được ghi hình và phát trực tiếp online để khán giả trường quay lẫn khán giả ở bất cứ đâu cũng có thể đặt câu hỏi, tranh luận với diễn giả.
“Cất cánh” online được xây dựng như tính năng của các trang mạng xã hội hiện nay gồm: trên cùng một giao diện, màn hình lớn tường thuật trực tiếp nội dung chính, bên cạnh là các bình luận, câu hỏi thú vị của độc giả mà ekip đã sàng lọc; lượt thích, chia sẻ của người xem. Nhờ cách làm này, lượng khán giả của chương trình đã tăng lên đáng kể so với truyền hình truyền thống.
Nhà báo Diễm Quỳnh ví von có thể xem mô hình của “Cất cánh” là điểm chạm giữa truyền hình và số - đây là hướng đi của truyền hình tương lai. Đi kèm với việc thay đổi hình thức, nội dung các chương trình truyền hình giải trí cũng dần dịch chuyển, đáp ứng nhiều hơn cho nhu cầu công chúng. “Cất cánh” khai thác các vấn đề nóng bỏng được số đông quan tâm như: sự sống và cái chết, chuyện hiến tạng cho y học…
Riêng VTV7, song song với chương trình truyền hình truyền thống, ekip dành hẳn một kênh riêng trên YouTube để đăng tải những chương trình ca nhạc, phim hoạt hình, trò chơi vui nhộn dạy trẻ điều hay lẽ phải. “ABC – Vui từng giờ”, “Xứ sở cầu vồng”… đều được đầu tư công phu, hấp dẫn. Đài Truyền hình Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền mua nguyên mẫu nhân vật chú Chó Trắng của Đài NHK - một nhân vật đồng hành cùng bao thế hệ tuổi thơ Nhật Bản - để xây dựng nên phiên bản “Xứ sở cầu vồng”. Nghiên cứu sở thích thiếu nhi, chương trình đã chọn cô Mèo Tím thay cho Mèo Vàng như dự định ban đầu. Những bài học nhỏ như đi tắm, đánh răng, cảm ơn và xin lỗi, học đếm, học vẽ, học chữ… được thể hiện dễ thương, dễ nhớ.
Dành tâm sức, tiền bạc sản xuất các nội dung ý nghĩa, thú vị, điều khiến đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng như người làm truyền hình lo lắng là tình trạng xâm phạm bản quyền đang diễn ra nhức nhối trên Internet. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc hiện nay khá nhiều clip nghiệp dư, không thực sự bổ ích, thậm chí là nguy hại lại nằm trên hàng top và trang chủ YouTube trong khi đó các chương trình đầu tư công phu, lành mạnh lại không được ưu ái như thế.
Đại điện YouTube tại Việt Nam cho hay hiện vấn đề bản quyền đang được YouTube kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây. Những clip có dấu hiệu vi phạm bản quyền, bị khiếu nại đều bị YouTube gỡ bỏ. Riêng việc các chương trình bổ ích, lành mạnh không có nhiều cơ hội lên top đầu, YouTube khuyến khích ekip sản xuất nên tăng cường sử dụng các thủ pháp tối ưu hóa một cách bài bản, chuyên nghiệp trên nền tảng của họ. Thủ pháp sẽ nhanh chóng giúp chương trình được đẩy lên hàng top. Song thủ pháp chỉ là nhất thời vì bản thân những chương trình này dù không có lượt xem đột biến nhưng lại rất ổn định, lâu dài chứ không chóng rộ chóng tàn./.
Mai Quỳnh Nga (Văn nghệ Công an)