Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) Mở rộng tại Charlevoix, tỉnh Quebec, trang web của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada (APF Canada) ngày 9/6 đã đăng bài viết nhan đề "Việt Nam dự Hội nghị G7 mở ra cơ hội xây dựng mối quan hệ kinh tế và địa chiến lược với Canada" của Thông tấn xã Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên làm việc với các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng. (Ảnh: TTXVN)
Bài viết nêu rõ việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6 theo lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau có ý nghĩa quan trọng đặc biệt khi hai nước đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam và Canada cũng vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân dịp Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2017. Việc Việt Nam và Canada xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, một mặt thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị song phương, mặt khác tạo động lực to lớn thúc đẩy mối quan hệ phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả hai bên.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Canada là một ví điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ song phương. Thương mại và đầu tư hai chiều được coi là động lực quan trọng của quan hệ giữa Việt Nam và Canada, trong đó hai bên chú trọng thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chủ chốt.
Hiện Việt Nam là thị trường rất quan trọng cho các sản phẩm của Canada như lúa mạch, cải dầu, hạt lentil, hàng nông sản, hải sản. Ngược lại, Canada cũng nhập lại rất nhiều sản phẩm gia công ở Việt Nam như điện thoại di động, thiết bị điện tử,…
Với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình 20-25% mỗi năm, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 10 tỷ USD/năm trong 10 năm tới, từ con số gần 5 tỷ USD hồi năm ngoái.
Hiện Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 4,1 tỷ USD. Canada cũng nằm trong nhóm nước hàng đầu về viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, với tổng trị giá ODA từ năm 1990 đến nay đạt hơn 800 triệu dollar Canada (CAD), tập trung vào hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển bền vững, phát triển nông thôn mới.
Việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên sẽ mở ra nhiều cơ hội và khơi thông thị trường cho hàng hóa của nhau, đồng thời hỗ trợ nhau tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. CPTPP sẽ tạo ra sân chơi công bằng với việc mở rộng các dòng chảy thương mại hai chiều bằng cách giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của hai nước. Sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua là nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Canada thời gian tới.
Giáo dục đào tạo cũng được coi là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Số du học sinh Việt Nam sang Canada học tập đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada.
Những năm gần đây, Canada đã đẩy mạnh quảng bá giáo dục và hợp tác với các cơ sở giáo dục của Việt Nam nhằm tăng cường thu hút du học sinh Việt Nam. Hàng loạt chương trình học bổng đi học tại Canada đang được triển khai và mang lại kết quả thiết thực.
Nhiều năm nay, Việt Nam là đối tác ưu tiên của Canada tại châu Á trong ba chính sách quan trọng, gồm Kế hoạch hành động thị trường toàn cầu, Chiến lược giáo dục quốc tế và Chính sách viện trợ phát triển. Bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác giáo dục đào tạo là điều kiện để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai nước. Bên cạnh đó, khoảng 250.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Canada đang trở thành "cầu nối" quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Hợp tác an ninh-quốc phòng cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan vừa có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/6 nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như công nghiệp quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,... góp phần đưa quan hệ quốc phòng-an ninh trở thành một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương Việt Nam-Canada.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Canada nhân chuyến thăm của Thủ tướng Canada Trudeau tới Việt Nam tháng 11/2017, lãnh đạo hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước theo hướng toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định và lâu dài trên bình diện song phương, khu vực và thế giới, đáp ứng lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Canada lần này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện mà hai nước vừa xác lập, từ đó đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn./.
(TTXVN)