Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 22/5/2016 22:22'(GMT+7)

Truyền thông đại chúng an ninh Lào và quản lý trật tự xã hội trong giao thông đường bộ

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Ảnh minh họa (nguồn Internet)


1. Vài nét về bối cảnh giao thông đường bộ của Lào hiện nay

Trật tự xã hội trong giao thông đường bộ được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau như: hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tính pháp lý trong giao thông hay tính cộng đồng trong tham gia giao thông… Nhưng dù ở khía cạnh nào, vấn đề hành vi giao thông cũng sẽ được hiểu là vấn đề trung tâm của trật tự xã hội trong giao thông đường bộ. Hành vi sẽ quyết định tính chất tuân thủ luật pháp của người tham gia giao thông, hay nói cách khác, để xác định mức độ tuân thủ luật pháp trong giao thông sẽ phải dựa vào thực trạng hành vi của người tham gia giao thông. Mặt khác, hành vi của người tham gia giao thông cũng giúp đánh giá tính chất cộng đồng trong tham gia giao thông như có sự nhường nhịn hay không, có sự giúp đỡ khi gặp nạn hay không, có sự lợi dụng tai nạn giao thông hay không v.v.

Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay đang ở trong quá trình đô thị hóa giai đoạn đầu, tình hình giao thông phát triển ngày càng nhiều và trở nên phức tạp hơn trước do tốc độ phát triển số lượng phương tiện cá nhân ngày càng cao. Với sự gia tăng của phương tiện, cho nên đã  làm cho hoạt động giao thông ngày càng phức tạp, tai nạn giao thông xảy ra tăng cả về số vụ và thiệt hại. Theo số liệu thống kê do Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cung cấp, trong vòng 6 năm từ năm 2008 đến năm 2013 tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là 34.935 vụ, làm bị thương 60.413 người, làm chết 4.827 người, thiệt hại về tài sản hơn 334 tỷ kíp. Đến đầu năm 2014, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có trên 1,4 triệu phương tiện, tăng gần 680 ngàn xe so với năm 2008, trong đó chủ yếu là xe mô tô gắn máy gần 1,2 triệu xe, tăng 489 ngàn xe, xe ô tô hạng nhẹ có 275 ngàn xe, tăng 165 ngàn xe, ô tô hạng nặng có trên 42 ngàn xe, tăng 21 ngàn xe.

Trong khi đó, hệ thống đường giao thông lại có tốc độ phát triển chưa thực sự tương xứng. Theo thống kê của Bộ giao thông vận tải Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay Lào có các tuyến đường với chiều dài 43.600,31 km, trong đó có 2 đường Quốc gia quan trọng đó là đường 13 Bắc và 13 Nam với chiều dài 7.352,38 Km. Đến nay, chỉ có 1/3 tổng số đường bộ là có trải mặt đường (đá, nhựa) còn lại là không có mặt đường được rải đá hoặc nhựa. Một trong những khó khăn trong phát triển giao thông đường bộ, đó là nhận thức của người dân về pháp luật giao thông chưa được vững chắc, dẫn đến việc chấp hành trong quản lý và tham gia giao thông còn nhiều lỏng lẻo, làm cho trật tự an toàn giao thông ngày càng trở nên phức tạp. Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, truyền thông trong cả nước nói chung và nhất là tại các thành phố lớn như Thủ đô Viêng Chăn nhằm định hướng hành vi là vô cùng quan trọng, như là một khâu cần kíp đối với công tác quản lý giao thông đô thị hiện nay.

2. Truyền thông đại chúng và quản lý trật tự xã hội trong giao thông đường bộ

Về đặc trưng truyền thông đại chúng an ninh Lào trong giao thông đường bộ, trước hết là đối tượng của các đơn vị truyền thông đã trở nên rộng lớn, nó bao gồm đông đảo quần chúng trong cộng đồng cư dân Thủ đô. Thứ hai, vấn đề truyền thông mà các đơn vị truyền thông đại chúng an ninh Lào chuyên trách là các vấn đề liên quan đến an ninh xã hội nói chung, trong đó, bao gồm có an ninh giao thông đường bộ. Thứ ba, hình thức truyền thông về an ninh giao thông của các đơn vị này chủ yếu mang tính gián tiếp, không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng truyền thông trong quá trình phổ cập và truyền tải thông tin mà sử dụng kỹ thuật làm yếu tố trung gian truyền tải. Mục đích của quá trình truyền thông về an ninh giao thông của các đơn vị truyền thông đại chúng an ninh Lào nhằm nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người dân Thủ đô Viêng Chăn nói riêng về pháp luật giao thông đường bộ và ý thức chấp hành quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Đồng thời, thay đổi, duy trì và phát huy các kiểu mẫu hành vi phù hợp góp phần ổn định và duy trì trật tự xã hội trong giao thông đường bộ nói chung.

Về chức năng, ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển với công nghệ ngày càng hiện đại, tiếp cận thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn; người dân cũng đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, sách, truyền hình, radio, internet, điện thoại thông tin và các hoạt động quan hệ công chúng khác. Theo đó, người dân có thể lĩnh hộ dễ dàng các các thông tin về pháp luật trong giao thông đường bộ, các quy định, chủ trương, chính sách... Những thông tin này giúp hình thành nên nền nhận thức cơ bản của mỗi cá nhân, từ đó, làm cơ sở cho hành vi ứng xử trong thực hành giao thông của con người trong các lĩnh vực của cuộc sống.

Nói cách khác, chức năng của các đơn vị truyền thông đại chúng an ninh Lào trong lĩnh vực an ninh đường bộ chính là truyền thông rộng rãi về văn hóa giao thông, góp phần tạo dựng và duy trì một nền giao thông an toàn. Bên cạnh đó, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giáo dục an toàn giao thông. Thực tế, chúng ta đều thấy rằng: từ nhận thức đến hành vi là hai vấn đề khác nhau, nói cách khác thì dù có hiểu biết các kiến thức nhưng cũng rất khó để chuyển các kiến thức đấy thành hành động thực tế một cách dễ dàng. “Dừng xe trước đèn đỏ, người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đấy là những quy tắc mà mọi người đều hiểu, người đi bộ sang đường tại vạch sơn… Thế nhưng tại sao lại vẫn diễn ra tình trạng người tham gia giao thông vẫn vượt đèn đỏ, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, và mặc dù có người đi bộ đang sang đường nhưng vẫn không ưu tiên?”

Có rất nhiều lý do mà người ta không tuân thủ hay xem nhẹ quy tắc. Một hành vi xấu trong giao thông, nếu không được xử lý ngay, có thể dẫn đến việc lặp lại hay bắt chước của chính người đó hoặc của người khác. Do vậy, cần phải chế ngự tình trạng nan giải xã hội này. Đó chính là giáo dục xã hội hay nói cách khác là giáo dục truyền thông. Xã hội giao thông an toàn cũng là tài sản mang tính xã hội. Do vậy, điều quan trọng là phải tạo lập xã hội giao thông, không dung thứ cho những hành vi vi phạm. Công tác truyền thông hiện nay của các cơ quan truyền thông đại chúng an ninh Lào đã và đang làm khá tốt vấn đề này: nêu gương hành vi tốt và lên án hành vi xấu trong giao thông.

Truyền thông đại chúng an ninh Lào giúp phát huy sức mạnh của quản lý Nhà nước về giao thông đô thị. Thông qua việc truyền đạt thông tin bằng nhiều hình thức, các phương tiện TTĐC an ninh Lào đã truyền đạt tới các chủ thể giao thông nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Những hình thức và mức phạt cho những hành vi vi phạm quy định giao thông cũng nhờ đó mà đi sâu vào nhận thức của người dân Thủ đô Viêng Chăn một cách nhanh chóng.

Thông qua quá trình truyền thông, người dân ý thức được những hành vi nào bị cấm, không được phép; hành vi nào nên được cổ vũ và nhân rộng.

Các nhà quản lý cũng sử dụng các phương tiện TTĐC như là một kênh trao đổi thông tin với người dân, như nắm bắt thông tin giao thông từ địa bàn dân cư, nắm được thực trạng giao thông của một làng, đơn vị hành chính nào đó của Thủ đô. Đồng thời, thông qua sự tương tác hai chiều này, các cán bộ làm truyền thông cũng nâng cao được kỹ năng và năng lực làm việc của mình thông qua việc rút kinh nghiệm và phát hiện các nhu cầu hiện có của độc/khán/thính giả để có những đề nghị điều chỉnh công tác truyền thông cũng như những vấn đề về công tác quản lý giao thông nói chung.

3. Thúc đẩy vai trò truyền thông đại chúng an ninh Lào trong giữ gìn trật tự xã hội trong giao thông đường bộ

Sự phát triển đô thị hóa ngày nay mang tới nhiều thách thức về giao thông cho các đơn vị quản lý, các đơn vị phụ trách công tác truyền thông. Các đơn vị truyền thông do đó cần phải phân tích kỹ những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức để thực hiện tốt chức năng của mình. Sau đó, cần vạch ra hướng chiến lược trong các hoạt động truyền thông nhằm đảm bảo tính kế thừa hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động truyền thông của các đơn vị. Tiếp theo, cần phải có định kỳ các hoạt động đánh giá nội bộ và đánh giá từ bên ngoài đối với các hoạt động truyền thông đã thực hiện, trên cơ sở đó khuyến nghị điều chỉnh nếu cần thiết.

Việc nghiên cứu thực tiễn là nhu cầu cấp bách cần có kế hoạch mang tính định kỳ để cập nhật các thông tin về đối tượng và nhu cầu truyền thông của đối tượng đích. Các đặc thù đối tượng truyền thông có thể có sự thay đổi thường kỳ như đặc điểm về văn hóa, lứa tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp và thói quen giao thông, điều kiện sinh sống v.v. Đây là những điểm cần lưu ý khi thực hiện công tác xác định nội dung, thiết kế thông điệp, lựa chọn hình thức truyền thông để có hiệu quả cao nhất với từng đối tượng truyền thông.

Lập kế hoạch truyền thông cần bám sát nguồn lực hiện có về cơ sở hạ tầng truyền thông, nhân lực và vật lực khác. Tránh trường hợp kế hoạch truyền thông và nguồn lực xung đột lẫn nhau gây lãng phí thời gian và công sức của nhiều bên tham gia. Đồng thời, các đơn vị truyền thông cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, luôn cập nhật các kỹ thuật truyền thông mới và làm chủ các kỹ thuật trong thời gian sớm nhất, đáp ứng mong đợi của đối tượng truyền thông

Các đơn vị truyền thông an ninh Lào bao gồm đài, báo, truyền hình an ninh Lào cần phối hợp tốt để đưa ra một chiến lược truyền thông tổng thể, làm cơ sở cho các kế hoạch truyền thông độc lập. Nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và khoa học trong công tác chuyên môn. Tránh một nội dung mà được đưa tin không có sự thống nhất làm phản tác dụng truyền thông. Hoặc nội dung trùng nhau gây lãng phí nguồn lực…

Công tác giám sát và đánh giá cần được coi là khâu quan trọng trong việc quyết định chất lượng và hiệu quả truyền thông. Công tác đánh giá nội bộ cần được chú trọng thực hiện định kỳ. Đột xuất hoặc theo kế hoạch cần có các hoạt động đánh giá ngoài đối với các chiến dịch hoặc đợt truyền thông trọng điểm… Các khuyến nghị sẽ rất có giá trị trong việc cải thiện hoặc điều chỉnh các hoạt động truyền thông hiện thời và tương lai.

Truyền thông đại chúng an ninh Lào có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý an ninh giao thông đường bộ. Ngoài ra, các đơn vị này còn thực hiện chức năng giáo dục định hướng hành vi giao thông thông qua chức năng thông tin, là nguồn thông tin đáng tin cậy cho người dân về kiến thức pháp luật, các điển hình gương sang và những hành vi đáng bị lên án- giúp ích rất nhiều trong công tác giáo dục xã hội về giao thông. Đối với thủ đô Viêng Chăn, việc phát huy vai trò của các đơn vị này cần được chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới./.

Tou Duongmany
NCS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất