Dẫn lời ông chủ báo Độc lập, hãng tin BBC cho biết, số báo giấy cuối cùng của tờ Độc lập sẽ ra vào ngày 26-3 tới, cũng là ấn phẩm in cuối cùng của tờ báo có tuổi đời gần 30 năm. Như vậy, tờ Độc lập trở thành tờ báo của Anh đầu tiên chỉ dùng bản điện tử. Theo ông E.Lê-bê-đép, đây là thời điểm báo chí được nhiều người đọc và tôn trọng ở khắp mọi nơi và đã đến lúc báo giấy phải nhường lại cho thời đại kỹ thuật số. "Báo chí đang thay đổi, và sự thay đổi đó là do nhu cầu của độc giả. Tương lai của báo chí là kỹ thuật số”, ông E.Lê-bê-đép nhấn mạnh.
Tờ Độc lập đã tạo ra bước đột phá trong làng báo chí Anh và thế giới khi ra mắt vào những năm 1980. Tại thời điểm “hoàng kim” của mình, tờ báo phát hành 428.000 bản in/một ngày. 25 năm sau đó, con số này giảm xuống còn 28.000 bản/ngày. Trong khi đó, mỗi tháng, báo điện tử Độc lập thu hút lượng độc giả lên đến 58 triệu người và là một trong những tờ báo điện tử hoạt động mạnh nhất trên các mạng xã hội.
Năm 2010, khi ông E.Lê-bê-đép mua lại tờ Độc lập, ông đã đi một nước đi táo bạo là tạo ra tờ i, một tờ báo in giản lược nội dung từ tờ Độc lập gốc. Tờ nhật báo này cho phép bạn đọc tiếp cận với các thông tin mang tính nghiêm túc nhưng ngắn gọn hơn bản gốc. Tạo ra một tờ báo giấy ngay giữa cuộc khủng hoảng của báo chí truyền thống có vẻ là một lựa chọn kỳ quặc, nhưng tờ i lại thành công một cách đáng ngạc nhiên khi lượng phát hành đạt 260.000 tờ mỗi ngày, vượt mặt cả tờ Người bảo vệ (Guardian) hay Thời báo kinh tế (Financial Times), tính theo lượng phát hành riêng tại Anh. Lợi nhuận ròng của tờ i là 5,2 triệu bảng Anh, đổ vào túi của thương hiệu Độc lập một khoản đáng kể.
Tuy nhiên, mới đây, ông chủ Lê-bê-đép đã quyết định bán tờ i với cái giá 24 triệu bảng Anh cho Johnston Press, một tập đoàn báo chí tại Anh. Không có tờ i, cùng với sự “tụt dốc” thảm hại của lượng phát hành báo in và sự lên ngôi của báo điện tử là những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định “khai tử” báo in của ông Lê-bê-đép vào ngày 12-2 vừa qua. “Quyết định này nhằm bảo vệ thương hiệu Độc lập và cho phép chúng ta tiếp tục đầu tư vào mảng nội dung để thu hút nhiều độc giả đến với bản điện tử. Độc lập đã luôn luôn là một tờ báo tiên phong với nhiều sự kiến mới, là một di sản đáng tự hào của nước Anh”, ông Lê-bê-đép nhấn mạnh.
Quyết định “khai tử” tờ báo in nổi tiếng trên đồng nghĩa với việc khoảng 100 phóng viên, chiếm già nửa trong tổng số phóng viên của báo, sẽ bị sa thải. Ngoài ra, một bộ phận khác sẽ được chuyển sang làm cho báo điện tử của tờ Độc lập. Dự kiến, trong thời gian tới, tờ Độc lập điện tử sẽ phát triển thêm nhiều nội dung mới, như tạo ra ứng dụng đọc báo trên điện thoại mới; nâng cao thiết kế, phát triển website. Ngoài ra, báo sẽ mở thêm nhiều văn phòng thường trú ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, đầu tư nhiều hơn nữa ở Niu Y-oóc, Mỹ.
Theo các nhà phân tích, sự phát triển của báo điện tử là hệ quả tất yếu của xu thế truyền thông số hiện nay. Câu hỏi đặt ra là, sau Độc lập, tờ báo nào sẽ tiếp bước trong cuộc “khai tử” báo giấy ở Anh? Các chuyên gia trong giới truyền thông dự báo, Thời báo Kinh tế và Người bảo vệ là hai tờ báo sẽ sớm chịu chung số phận với Độc lập. Cả hai tờ báo này đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, tinh giản biên chế nhằm bù đắp vào thâm hụt doanh thu trong năm qua. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ báo giấy sang báo điện tử chưa phải là một giải pháp hiệu quả về mặt tài chính. "Độc giả trực tuyến có thể đọc bài trên trang báo điện tử này mà không cần bỏ ra một khoản phí nào và lợi nhuận từ quảng cáo trên báo điện tử chắc chắn không thể sánh được với quảng cáo trên báo in", báo Thế giới của Pháp nhận định.
BÌNH NGUYÊN/Báo QĐND