Chưa đồng tình tăng giờ làm thêm cho công nhân ngành nhựa
Cụ thể, về kiến nghị xem xét lại quy định giờ làm thêm cho công nhân trong ngành nhựa (hiện nay đang áp dụng 200 giờ/năm), dẫn chiếu quy định tại Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB-XH cho biết, kế thừa Bộ luật Lao động 1994, Bộ luật Lao động 2012 quy định giới hạn giờ làm thêm không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì không quá 300 giờ trong một năm (ngành nhựa không thuộc trường hợp đặc biệt này – PV).
Trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ LĐTB-XH cũng đã đề xuất phương án nâng giới hạn giờ làm thêm, nhưng không được Quốc hội chấp thuận và trước mắt phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về giới hạn giờ làm thêm. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục đề xuất phương án tăng giờ làm thêm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và đang nghiên cứu, đánh giá thêm về cơ sở khoa học, thực tiễn về sức khỏe, việc làm, cân bằng công việc và cuộc sống... nhằm đạt được sự đồng thuận cao của xã hội trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Người cao tuổi đã có lương hưu không được hưởng trợ cấp xã hội
Một vấn đề khác được cử tri TPHCM cùng cử tri nhiều tỉnh, thành phố khác như Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Nội… đồng kiến nghị là người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội không phân biệt đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hay chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi xuống 75 tuổi và thực hiện trợ cấp theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
Bộ LĐTB-XH cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
“Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng, nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống, không phải là chính sách “ưu đãi” người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên nói chung. Vì vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì không được hưởng”, văn bản trả lời của Bộ LĐTB-XH nêu rõ.
Về kiến nghị hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi, Bộ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc hạ độ tuổi khi có điều kiện.
Mức chuẩn trợ cấp người có công là trên 1,4 triệu đồng từ ngày 1-7
Cử tri TPHCM đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức trợ cấp cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, vì mức trợ cấp hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Về vấn đề này, Bộ LĐTB-XH cho biết, thực hiện đề án cải cách chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng hàng năm, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội, cân đối với việc nâng lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Thực tế hiện nay, mức chuẩn trợ cấp người có công là 1.318.000 đồng đã được thực hiện từ ngày 1-1-2015, trong khi từ ngày 1-5-2016 (hơn 1 năm sau), mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức mới được điều chỉnh tăng lên 1.210.000 đồng.
Năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 27/2016/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Bộ đã dự thảo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng để trình Chính phủ ban hành vào 1-7-2017. Dự kiến mức chuẩn trợ cấp người có công mới sẽ là 1.417.000 đồng.
Đào tạo thí điểm 12 nghề tại 25 trường chất lượng cao
Một kiến nghị khác cũng của cử tri TPHCM là về giải pháp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho lao động Việt Nam để có thể tiếp thu công nghệ cao của các nước phát triển phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong nước, Bộ LĐTB-XH cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn 45 trường nghề để đầu tư tập trung phát triển đến năm 2020 thành trường chất lượng cao.
Hiện cả nước đang tích cực triển khai đào tạo thí điểm 12 nghề đã chuyển giao từ Úc tại 25 trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng nghề của Úc cho gần 1.000 học sinh, sinh viên.
Cùng với việc ban hành các chính sách thích hợp, Bộ LĐTB-XH cũng đã tập trung đầu tư các nghề trọng điểm, đổi mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lôi cuốn sự vào cuộc thực chất của doanh nghiệp từ xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, tổ chức thực hành cho học sinh, đánh giá kết quả đào tạo…
ANH PHƯƠNG/SGGP