Cách mạng Tháng Tám đã đưa chính quyền về tay nhân dân,
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kết thúc ách đô hộ của thực dân,
phát xít, xóa bỏ chế độ phong kiến từ hàng ngàn năm.
Tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi,
bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị kể từ
mùa Thu lịch sử năm 1945. Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực hiện thực
khát vọng Việt Nam giàu mạnh vào năm 2045, lại càng thấy ý nghĩa và tỏa
sáng bài học về sự nhạy bén nắm bắt thời cơ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, mặc dù bị đàn áp dã man, nhân dân ta
vẫn anh dũng đứng lên chống Pháp nhưng đều thất bại bởi chưa có một
đường lối cứu nước đúng đắn. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời,
cách mạng nước ta mới có bước phát triển mạnh mẽ. Song cũng phải trải
qua ba cao trào cách mạng, Đảng ta mới tập hợp được lực lượng của cả dân
tộc, lấy liên minh công nông làm nòng cốt, sẵn sàng vùng lên Tổng khởi
nghĩa khi thời cơ cứu nước đến.
Cũng cần nói rõ, từ đầu năm 1945, thời cơ cách mạng đã xuất hiện song
chưa thực sự chín muồi. Tiến hành khởi nghĩa vào lúc này chúng ta không
thể chắc chắn giành được thắng lợi. Đó cũng là lý do vì sao trong suốt
đầu năm 1945, Trung ương Đảng luôn chú ý đến vấn đề cuộc đảo chính của
phát xít Nhật nhằm hướng công tác chuẩn bị của Đảng và phong trào cách
mạng của quần chúng chủ động đón nhận.
Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng
đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ðảng
quyết định phát động cao trào chống phát xít Nhật cứu nước và đưa ra
khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân” để chống lại chính quyền
phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật.
Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng chính thức công bố lệnh đầu hàng không điều
kiện. Nhận thấy thời cơ xuất hiện như khả năng mà Đảng ta đã dự báo,
lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường
Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập!”. Hai ngày sau đó, Đại hội
Quốc dân Tân Trào đã quyết định Tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn
quốc đứng lên giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn
độc lập.
Trong gần hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà
nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc
Việt Nam. Và bài học về tận dụng thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm
1945 không ngừng được phát huy, phát triển trong quá trình đấu tranh
giải phóng dân tộc, giành chính quyền và giữ chính quyền, giải phóng
miền Nam, thống nhất non sông.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước sau
này, Đảng ta cũng đều nhiều lần vận dụng thành công bài học về nắm bắt,
tận dụng thời cơ. Năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, đất
nước đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung
quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Trong tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta xác
định: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong
sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân
phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh
bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ
luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức,
viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng
phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ
ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, bao gồm cả các
nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản,
Hàn Quốc... Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước được thiết lập
trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ của nhau.
Với vị thế, uy tín quốc tế và những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa
phương, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều cơ
chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam cũng chủ động
đóng góp và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp
quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình tại các điểm nóng ở
châu Phi.
Đã 79 năm kể từ mùa Thu lịch sử, đất nước đang vào giai đoạn
phát triển mới. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra mục tiêu, đến năm
2045 sẽ đưa Việt Nam vào hàng ngũ các quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Như vậy, chúng ta còn 20 năm nữa để hoàn thành mục tiêu chiến lược này.
Bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng
của Việt Nam đã đem lại những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng xuất hiện
cả những thách thức, khó khăn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua để hiện
thực khát vọng Việt Nam hùng cường. Và một trong những vấn đề cần tiếp
tục nhận diện và đấu tranh là "bệnh" quan liêu, xa rời quần chúng của
một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ
ra; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ, đảng viên còn thấp, dẫn
đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm...
Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024,
cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã phải thi hành kỷ luật 308 tổ chức
đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung
ương quản lý. Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền cũng đã xem xét cho
thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ
diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý,
về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham
nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí
thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.
Vẫn biết để hiện thực khát vọng Việt Nam hùng cường, phát triển “là
một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”. Song, từ thành công
và những bài học của Cách mạng Tháng Tám, từ những kinh nghiệm đúc kết
được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tin tưởng rằng, dưới sự
lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, chúng ta sẽ đoàn kết,
thống nhất, tiếp tục vững vàng vượt qua thách thức, rào cản để đón bắt,
tận dụng thời cơ đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia phát triển.
Và đó cũng là thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điều mong
muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây
dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
HẠNH QUỲNH (TTXVN)