Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 28/9/2020 10:25'(GMT+7)

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có 57 người tử vong vì bệnh dại

 

Năm 2020 đánh dấu năm thứ 14 kỷ niệm ngày thế giới phòng chống bệnh dại, kể từ khi chính phủ các nước trên toàn thế giới cùng nhau đáp lại lời kêu gọi loại trừ bệnh dại, tập hợp các ngành liên quan cấp trung ương và địa phương cùng cộng đồng toàn cầu chung tay vào cuộc chiến đấu chống lại bệnh dại.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), FAO và WHO khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận, chi trả vắc xin cho người và động vật; tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại và đạt được mục tiêu “Biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại...

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố.

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Bệnh lây truyền từ động vật (chủ yếu là từ chó và mèo) sang người. Mặc dù nền y học hiện đại đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại, nhưng đến nay bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Trong đó, khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 31/ CT-TTg ngày 6/07/2017 về tăng cường phòng chống bệnh dại; ngày 13/2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 193 về phê duyệt “Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021”. Tuy nhiên, cho đến nay bệnh dại vẫn là vấn đề thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại; đồng thời phối hợp với các đối tác Một sức khỏe, bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vận động cho chiến dịch “Biến cam kết thành hành động” của tất cả các cấp chính quyền trong công tác phòng chống bệnh dại. Hai bộ củng cố sự hợp tác liên ngành, bao gồm: Y tế, nông nghiệp, giáo dục và các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường truyền thông nhằm nâng cao việc quản lý đàn chó và tiêm vắc xin cho chó, đảm bảo rằng người bị chó cắn được tiêm vaccine ngay lập tức để tiến tới loại trừ bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.

Phong Duy


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất