TÔN GIÁO LÀ MỘT THÀNH TỐ CỦA VĂN HÓA
Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Vì tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là nhu cầu thiết yếu của nhân dân, mà còn là quyền thiêng liêng không ai được xâm phạm hay làm tổn hại, cho nên không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Người cũng từng nói, “dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia, và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam, và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”(2) và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân; là tôn trọng tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Cho nên, trên hành trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như kiên định xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đều nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; coi đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Người không chỉ khẳng định “phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”(3), trong đó có đoàn kết giữa các tôn giáo khác nhau và đoàn kết trong nội bộ từng tôn giáo, mà còn nhấn mạnh rằng, điều kiện đầu tiên để thực hiện đoàn kết tôn giáo chính là tôn trọng, bảo đảm quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đó chính là vừa tôn trọng sự khác biệt vừa phát huy những điểm tương đồng của từng tôn giáo và vận động, tập hợp đồng bào theo các tôn giáo khác nhau cùng đoàn kết trên một mẫu số chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Việt Nam luôn chủ trương tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện đoàn kết tôn giáo; chống vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Đây không chỉ là biện pháp để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và triển khai hiệu quả trong thực tế, mà còn là hiện thực hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiến định trong các bản Hiến pháp phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước. Thực tế, tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được quy định rõ trong Điều 10, Hiến pháp năm 1946 “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”; trong Điều 26, Hiến pháp năm 1959 “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; trong Điều 68, Hiến pháp năm 1980 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”; trong Điều 70, Hiến pháp năm 1992 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”; trong Điều 24, Hiến pháp năm 2013: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. 2. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân còn được bảo đảm trong Điều 164, Bộ Luật Hình sự 2015 và trong các bộ Luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật đất đai, Luật Giáo dục... Cho nên, những luận điệu phản động rằng, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”, Việt Nam “đàn áp tôn giáo”... dù biểu hiện dưới bất cứ “giọng lưỡi” nào thì cũng không thể che giấu được dã tâm của những kẻ cố tình bôi đen sự thật, xuyên tạc bản chất tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hơn nữa, tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được thể hiện trong Sắc lệnh 234/SL của Chủ tịch nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng ngày 14/6/1955 (5 chương, 16 điều) quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo, tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, trong đó Điều 1 ghi rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”; trong Nghị quyết số 297-CP về một số chính sách tôn giáo của Chính phủ ngày 11/11/1977: “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận và các cơ quan có liên quan tại địa phương, bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của mình”; trong Nghị định số 59/NĐ-HĐBT về hoạt động tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng ngày 21/3/1991: “Điều 6. Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo. Mọi hành vi vi phạm quyền tự do đó đều bị xử lý theo pháp luật. Điều 7. Tín đồ có quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo không trái với chủ trương chính sách và luật pháp của Nhà nước; có quyền tiến hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện tại gia đình và tham gia các hoạt động tôn giáo tại nơi thờ tự. Không được truyền bá mê tín dị đoan, không cản trở việc lao động sản xuất, học tập và thi hành nghĩa vụ công dân”; trong Nghị định số 26/1999/NĐ-CP của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo ngày 19/4/1999: “Điều 6. Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo. Điều 7. 2. Tín đồ không được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm trái pháp luật, không được hoạt động mê tín dị đoan”; trong Nghị quyết 25/NQ-TW Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo ngày 12/3/2003: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”; trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 và trong Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 30/12/2017: “Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật”…
Đây chính là minh chứng cho thấy hệ thống pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện và hệ thống pháp luật đó vừa tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song cũng nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay những hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây phương hại an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đi ngược lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(4). Cho nên, những giọng điệu mượn danh kiểu “Hoa Kỳ nói Việt Nam đang hạn chế tự do tôn giáo” thực chất chỉ là một trong những kiểu “lu loa”, “mượn mồm dựng chuyện” của những kẻ phản động, thù địch, cơ hội với ý đồ bẻ cong sự thật, nhân danh nhân quyền để xuyên tạc Việt Nam “xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”!.
VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với gần 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, nên Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Ở Việt Nam “các tôn giáo có điều kiện phát triển vượt bậc. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, 17 triệu tín đồ, với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2021, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự”(5). Cũng ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước không chỉ tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo, mà còn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động núp bóng tự do tôn giáo để gửi cái gọi là “phúc trình”, “thư ngỏ” nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch.
Thực tế, khi đã tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, các chức sắc, tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tôn trọng, được bảo đảm tự do sinh hoạt, thực hành các lễ nghi tôn giáo để biểu hiện đức tin của mình cũng như được các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm những tổ chức, cá nhân nhân danh tôn giáo để hoạt động đi ngược lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, làm phương hại an ninh, trật tự an toàn xã hội hay trục lợi vì bất cứ lý do gì. Cho nên, không có chuyện “Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận có tự do tôn giáo”, mà chỉ có các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước bị nghiêm cấm như tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”… đã đội lốt tôn giáo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật, song tự do thực sự là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966 ghi rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”; đồng thời cũng khẳng định: “3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Cho nên, cái gọi là “đạo Dương Văn Mình”, “Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”, “đạo Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thượng ở khu vực Tây Nguyên” hay “chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”… chính là các “tà đạo” đã đội lốt tôn giáo nhưng không có giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức riêng. Vì mục đích hoạt động chính của các tổ chức này là vụ lợi, trái pháp luật, nên không đủ điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, chứ không phải là các cấp chính quyền địa phương “gây khó” và “phân biệt” đối xử với các tôn giáo “không thuộc quản lý của Nhà nước”.
Chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, song “kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”(6). Cho nên, không phải các giáo phái tôn giáo “không được công nhận” ở Tây Bắc, Tây Nguyên và ở một số vùng của Đồng bằng sông Cửu Long bị “chính quyền làm phiền”, mà chính là các giáo phái đó đã vi phạm nghiêm trọng Ðiều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khi nhân danh hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để: “a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau”.
Thực tế, tính đến tháng 12/2023, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, cũng trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in; trong đó có nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc. Đặc biệt, năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo… Đồng thời, Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”(7) … chính là hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Việt Nam đã công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, minh bạch hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua.
Cuối cùng, cần khẳng định chắc chắn rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam không “can thiệp vào công việc nội bộ các tôn giáo”; cũng không “vi phạm quyền con người”, mà là vừa tôn trọng Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, vừa thực thi nghiêm Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Việc các báo cáo tự do tôn giáo của một số nước “cáo buộc” rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân và tiếp tục hạn chế hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo không phải là sự thật. Đồng thời, mọi sự xuyên tạc, bịa đặt về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là “bước thụt lùi” không chỉ “bóp nghẹt tôn giáo” mà còn “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người” hay “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của người dân bị xâm phạm; “chính quyền can thiệp vào nội bộ của tổ chức tôn giáo”; các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân “là tôn giáo quốc doanh” cùng luận điệu bôi đen cho rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là thứ “xin cho” giữa nhà nước và người dân và muốn được hoạt động tôn giáo thì phải “chịu sự kiểm soát của nhà nước” của các thế lực thù địch đều là phản động; đều là bịa đặt, bẻ cong sự thật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam./.
TS. VĂN THỊ THANH MAI
___________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.458
(2) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.3, tr.10
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.454.
(4) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.171, 171.
(5) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2022. tr.90-91.
(7) Theo Ban Tôn giáo Chính phủ.