Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 27/5/2011 11:22'(GMT+7)

Tư duy lãnh đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Đại hội XI

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Nước ta là một nước nông nghiệp..., muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy nông nghiệp làm gốc. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra” (1)

Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ngày càng được xác định rõ nét hơn qua các kỳ Đại hội.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), mặc dù chú trọng phát triển công nghiệp nặng, coi công nghiệp nặng làm nền tảng nhưng vấn đề phát triển nông nghiệp cũng đã được đặt ra song song với phát triển công nghiệp “ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp và nông nghiệp hiện đại” (2).

Đại hội VI (12/1986) cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng về nông nghiệp, nông thôn được xác định phù hợp hơn so với điều kiện của đất nước thời kỳ này. Đó là, chuyển từ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng sang tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm đảm bảo lương thực cho xã hội và từng bước có dự trữ lương thực.

Nghị quyết 10 ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp, là một bước có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Nghị quyết số 6-NQ-TW, ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn xác định vai trò của nông nghiệp, nông thôn, coi đó là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Coi trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) và xây dựng nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, là cơ sở để ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội…

Đại hội X của Đảng (2006) cũng nêu rõ vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008) được coi là bước phát triển đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong tư duy nhận thức về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng” (3). Trong nghị quyết, trên cơ sở khẳng định công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã xác định rõ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong mối quan hệ đó nông dân được coi là “chủ thể” của quá trình phát triển, vì vậy trước hết “phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân.” Việc xác định đúng chủ thể sẽ là cơ sở để hoạch định hàng loạt các vấn đề khác đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Có thể thấy từ khẳng định nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng đến khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một bước phát triển mới về tư duy lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ta.

Đại hội lần thứ XI (2011) là sự tiếp tục phát triển tư duy lãnh đạo của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ định hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn và mục tiêu “Phấn đấu giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 2,6 - 3%/năm. Tỉ trọng lao động nông nghiệp năm 2015 chiếm 40 - 41% lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2010” (4), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã làm rõ những giải pháp cơ bản để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 5 năm 2011 - 2015.

Một là, về mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp

Đảng ta nhận thức về mục tiêu phát triển nông nghiệp trong điều kiện sự biến đổi về môi trường sống trên hành tinh đang diễn ra hết sức phức tạp, đe doạ sự sống của hàng tỷ người, nhất là đối với các nước nghèo. Sự phát triển của nông nghiệp trong điều kiện như vậy phải phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải chú ý đến tất cả các mặt, các bộ phận của nông nghiệp (theo nghĩa hẹp nông nghiệp bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản). Hiện nay, cần chú ý phát triển nông nghiệp chuyên sâu, chuyên môn hoá các khâu của sản xuất nông nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả của nông nghiệp. Tính hiệu quả trong nông nghiệp còn là sự phát triển bền vững, nghĩa là sự phát triển của nông nghiệp gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức. Sự phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững là bền vững về sinh thái; lợi ích về kinh tế; lợi ích xã hội đối với nông dân và cộng đồng.

Về cơ cấu trong nông nghiệp Đảng ta xác định phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới.

Một nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi phải thực hiện một loạt các giải pháp, trong đó phải khắc phục tình trạng manh mún đất đai, “đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hoá, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn” (5).

Đặc biệt, để phát huy những lợi thế của nông nghiệp nhiệt đới, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại đòi hỏi phải thực hiện tốt liên minh công - nông, trong đó có vai trò nòng cốt của Nhà nước và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Đại hội XI khẳng định phải thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Phát triển các hiệp hội nông dân và các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động thiết thực, có hiệu quả.

Hai là, về phát triển lâm nghiệp, thủy sản

Trên cơ sở khẳng định vai trò của lâm nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp, Đại hội XI đã nhấn mạnh cần phải phát triển toàn diện và bền vững lâm nghiệp, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để “người dân có thể sống, làm giàu từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng”. Trong lâm nghiệp, cần phải phát triển lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hình thành các tổ hợp trồng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản và phát triển các vùng rừng chuyên môn hoá bảo đảm đáp ứng ngày càng nhiều hơn nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giấy.

Đối với nuôi trồng thủy sản, đại hội Đảng XI đã cụ thể hóa các nội dung cần phát triển theo hướng hiện đại, coi trọng phát triển các lợi thế của từng vùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ba là, về vấn đề xây dựng nông thôn mới

Một trong những nội dung được Đảng ta quan tâm chỉ đạo trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là vấn đề xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đã có nhiều văn kiện, nghị quyết chỉ đạo và đã được chính phủ cụ thể hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh các nội dung của việc xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xây dựng nông thôn mới phải có các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn, phù hợp với đặc điểm từng vùng, phải kết hợp chặt chẽ việc xây dựng nông thôn mới với việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng tới xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút và khai thác các đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ hội việc làm cho nông dân, theo mục tiêu đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm. Xây dựng nông thôn mới còn phải chú ý tới thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm công bằng cho người nghèo và có phương án dự phòng thiên tai cho người dân.

Từ những định hướng trên, để giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay, giải pháp quan trọng nhất là tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương bảy (khoá X), và các nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ đó, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của nông dân trong toàn xã hội. Nông nghiệp phải được coi là nền tảng để ổn định phát triển kinh tế xã hội. Muốn vậy, chính sách đối nông dân phải được coi là trung tâm trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Biểu hiện của nhận thức đó phải được thể hiện bằng các biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thu hẹp về khoảng cách và tốc độ phát triển giữa khu vực nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

Chúng ta tin rằng với sự thay đổi về nhận thức, sự đồng lòng quyết tâm của toàn xã hội chắc chắn sẽ giải quyết một cách triệt để vấn đề “tam nông” hướng tới thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội XI đề ra./.

Th.S Tô Văn Sông
Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Hải Dương

__________________________

(1) - Hồ chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb chính trị Quốc gia, 2004, tr180

(2) -Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21,Nxb CT Quốc gia 2002, tr 545

(3) - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb chính trị Quốc gia, H.2008, tr123,124

(4) -Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

(5) - Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất