Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 2/4/2014 22:3'(GMT+7)

Công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030


Ngày 2-4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì buổi lễ.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Là quốc gia với bờ biển dài và vùng biển đặc quyền kinh tế rộng, Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng về khai thác tài nguyên thiên nhiên, với nhiều loại có giá trị kinh tế to lớn như dầu khí, khoáng sản biển và tài nguyên sinh vật đa dạng phong phú, tài nguyên du lịch và vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải chiến lược thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Phát huy tiềm năng, lợi thế do biển mang lại, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Chiến lược định hướng chung cho công cuộc phát triển biển Việt Nam, hài hòa các mục tiêu vĩ mô về phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa mới được Thủ tướng thông qua cũng nhấn mạnh chủ trương phát triển bền vững biển, đảo, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian vừa qua, tài nguyên và kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, những tiềm năng to lớn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Tài nguyên thiên nhiên biển đang bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt ở một số nơi. Hệ sinh thái biển suy thoái nhanh, chất lượng môi trường biển đảo xuống cấp nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam phải chịu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng gây ra”. - Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh

Đây là những thách thức lớn đối với biển Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động kịp thời. Trong đó, cần tập trung nâng cao hiểu biết về biển, về tiềm năng do biển mang lại cũng như những thách thức tiềm tàng với biển; từ đó đưa ra những định hướng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; nhằm phát triển bền vững biển đạo; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của hệ sinh thái biển góp phần thực hiện thành công những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về biển, góp phần thực hiện thành công việc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Với mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trên cơ sở kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước có bổ sung, hoàn thiện, Chiến lược đã đặt ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể với cách tiếp cận, tổng hợp về phát triển biển gồm các nhóm giải pháp về kỹ thuật, cơ chế chính sách, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế.

Tại Lễ công bố, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TNMT đã thông báo một số các nội dung quan trọng của Chiến lược.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là hiểu rõ hơn về biển, tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững, gìn giữ chất lượng môi trường biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển.

Chiến lược cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như đáp ứng hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; cung cấp thông tin dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu kịp thời, đủ độ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển; giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững...

Để thực hiện được những mục tiêu đó, cần phải nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển; hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn biển, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sóng thần; kiểm soát việc khai thác nguồn nước

Với việc ban hành Chiến lược, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa công tác điều tra cơ bản biển, hải đảo; hoàn thiện và vận hành thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển đảo. Qua đó, sử dụng hợp lý tài nguyên biển, bảo đảm hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế, xã hội và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông sẽ cùng triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược này, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất