Trong di sản quý báu của Người, tư tưởng thi đua yêu nước được đề cập một cách toàn diện, cả mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp thi đua, trong đó đặc biệt tư tưởng thi đua “Làm cho tốt” vẫn vẹn nguyên giá trị.
Thi đua “Làm cho tốt” vừa là yêu cầu, vừa là phương hướng, mục tiêu; là sự sáng tạo, khoa học, thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả; gắn chặt với tư tưởng thi đua “làm cho nhanh, làm cho nhiều”. Thi đua “Làm cho tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trái ngược với kiểu thi đua phô trương, hình thức, ganh đua, chạy theo thành tích, “phát nhưng không động”, “đầu voi đuôi chuột” thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, không xác định mục đích, nội dung, chỉ tiêu thi đua rõ ràng, kế hoạch không cụ thể, tỉ mỉ, “mạnh ai người ấy làm”, không thiết thực, hiệu quả...
Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thi đua “Làm cho tốt” là bởi theo Người: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do” . “Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công” . Muốn đạt được mục đích đó Người đã chỉ cho chúng ta rằng: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau/Làm cho tốt/Làm cho nhiều”
Theo Hồ Chí Minh, để thi đua “Làm cho tốt” thì: "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước". "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc" . Người nhấn mạnh: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” . Đồng thời, theo Hồ Chí Minh, muốn thi đua “Làm cho tốt”: "Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kĩ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là, phải sao cho mỗi người, mỗi nhóm, mọi người tự giác, tự động" tham gia. Thi đua phải tuân theo nguyên tắc: Đoàn kết, đoàn kết làng xóm, đoàn kết đất nước, đoàn kết người với người để tạo sức mạnh đảm bảo thắng lợi cho thi đua. Ai cũng thi đua làm cho “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng” . Người nhấn mạnh: Nếu mọi người đều cố gắng thi đua thì dân tộc nhất định phú cường, thế là “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm, và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi” . Đồng thời, muốn thi đua “Làm cho tốt” phải thực hiện phương châm “Người người thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” . Để thực hiện tốt phương châm thi đua đó, “Cách làm là: dựa vào lực lượng của dân/ Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân” .
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, thi đua “Làm cho tốt” là hoạt động tích cực và sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất; là hoạt động mang tầm tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết quốc tế. Thi đua góp phần cải tạo con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ” .
Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp sát với thực tiễn của phong trào. Người đã đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội nhằm đẩy mạnh thi đua cho rộng khắp hơn nữa. Để làm kết quả việc đó thì có một hình thức tốt là “Bình công và báo công”, như Bác dạy: “Ai có công, ai không có công mọi người đều biết. Do đó thúc đẩy lẫn nhau càng cố gắng lập công mới. Người có công gì tự báo công để tập thể bình bầu, như thế là thực hành dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi người đều phấn khởi và cố gắng. Đó cũng là một dịp phê bình và tự phê bình một cách thiết thực, qua đó mọi người biết làm việc gì tốt, làm thế nào là tốt…” . Mặt khác, để thi đua “Làm cho tốt”, theo Hồ Chí Minh phải khắc phục những khuyết điểm trong thi đua như: Hướng dẫn thiếu thống nhất/ Chương trình còn nhiều nơi chưa sát/ Kế hoạch thiếu chu đáo tỉ mỉ/ Biết làm nhanh, nhưng chưa biết làm tốt/ Thi đua nơi thì thiếu bền bỉ, nơi thì quá sức, nơi thì chưa tự động/ Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người/ Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy, để phong trào thi đua lên cao hơn nữa, rộng khắp hơn nữa và đạt những kết quả to lớn và tốt đẹp hơn nữa .
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thi đua “Làm cho tốt”, phong trào thi đua đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, diễn ra sôi nổi, rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể như: tăng gia sản xuất và tiết kiệm, giết giặc lập công…Thi đua “Làm cho tốt” đã thấm sâu vào từng con người, có sức sống và sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ thi đua “Làm cho tốt” đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn, giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định rằng, 70 năm đã qua với biết bao thay đổi của lịch sử, song tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua “Làm cho tốt” vẫn vẹn nguyên giá trị. Để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thi đua “Làm cho tốt”, thiết nghĩ cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng, chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản pháp quy, chỉ thị, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng nói chung và tư tưởng thi đua “Làm cho tốt” nói riêng. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu đối với công tác thi đua khen thưởng; nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng, Ban, Tổ thi đua; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, đề cao tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức quần chúng; phối hợp có hiệu quả tổ chức phong trào thi đua với thực hiện các cuộc vận động của các cấp, các ngành làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, bền vững trong từng cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhiệm vụ đột xuất, kết hợp chặt chẽ thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa XI), Nghị quyết TW4 (Khóa XII) với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những phong trào thiết thực, cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tăng cường kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến; quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến phát triển toàn diện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng. Kết hợp chặt chẽ công tác thi đua với công tác khen thưởng, đổi mới mạnh mẽ công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua khen thưởng với công tác chính sách, công tác cán bộ, quan tâm đến sự phát triển, trưởng thành của mọi người, tạo môi trường, điều kiện để mỗi người đều có cơ hội phấn đấu vươn lên và thực hiện có hiệu quả Thi đua “Làm cho tốt” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy./.