Sau chiến thắng lịch sử 7-1 trước chủ nhà Brazil và hiên ngang bước vào
chung kết World Cup 2014, đội tuyển Đức đã được ca ngợi với đủ những mĩ
từ về màn trình diễn hảo hạng của họ.
Nhiều người hâm mộ "Die Mannschaft" đã tự hào rằng nếu như Brazil có
Neymar, Argentina có Messi, Bồ Đào Nha có Ronaldo thì Đức sở hữu một đội
bóng. Nhưng đội bóng đó cũng chẳng phải được sinh ra chỉ sau một đêm,
mà là thành quả của hơn một thập kỷ làm bóng đá một cách bài bản của
người Đức.
Khi người Anh phải nhìn sang người Đức
Cách đây hơn một thập kỷ, bóng đá Đức đã phải trải qua những tháng ngày
đen tối sau một thời kỳ thăng hoa với đỉnh cao là chức vô địch World Cup
1990 và Euro 1996.
Tại World Cup 1998, họ bị hiện tượng Croatia đánh bại 3-0 ở tứ kết trước
khi bị loại hai năm sau đó tại Euro mà không thắng nổi một trận nào.
Đỉnh điểm của thất vọng thời điểm ấy với liên đoàn bóng đá Đức DFB và
người hâm mộ có lẽ là thảm bại 5-1 trên sân nhà năm 2001 trước đội tuyển
Anh. Cú hat-trick của Michael Owen ngày ấy như một cú đấm mạnh vào niềm
tự hào của bóng đá Đức và buộc DFB phải có một kế hoạch cải tổ cách làm
bóng đá nhằm chấm dứt những kết quả thất vọng liên tiếp.
Đó là một sự thay đổi toàn diện trong cách làm bóng đá, với việc thay
đổi chiến thuật, cải tạo cơ sở vật chất và quan trọng nhất: đào tạo bóng
đá trẻ một cách chuyên nghiệp. Vào năm 2013, giám đốc thể thao của DFB
khi ấy là Robin Dutt đã tuyên bố: “Chúng tôi có dân số 80 triệu người
nhưng trước năm 2000 tôi nghĩ chẳng ai chú ý tới những tài năng. Nhưng
giờ đây chúng tôi chú ý tới tất cả.”
Khác với cách làm truyền thống của nhiều nước châu Âu khi việc phát hiện
và nuôi dưỡng tài năng thường được giao phó cho các câu lạc bộ - với lò
đào tạo của Ajax (Hà Lan) hay Barcelona (Tây Ban Nha) là những ví dụ
thành công điển hình - Đức đã triển khai một chương trình bóng đá trẻ
trên toàn quốc từ năm 2002.
Những đứa trẻ từ 6 tuổi trở lên khi tham gia chương trình sẽ được dạy
những kỹ năng cơ bản bóng đá bởi những huấn luyện viên đã được cấp bằng
DFB. Khi lên 8 tuổi, các chuyên gia săn lùng tài năng sẽ theo dõi xem
liệu các cầu thủ nhí có đủ phẩm chất để được một câu lạc bộ thu nhận hay
không. Với việc sớm được học bóng đá bài bản và chơi trong một hệ thống
chiến thuật giống nhau qua nhiều cấp độ đội tuyển khiến các tài năng
của bóng đá Đức không hề bỡ ngỡ khi được khoác áo đội tuyển quốc gia.
Vào năm 2013, tờ The Guardian của Anh đã cất công tìm hiểu về hệ thống
đào tạo này của Đức khi Bundesliga thể hiện sự thống trị tại Champion
League với trận chung kết toàn Đức giữa Bayern Munich và Borussia
Dortmund. Kết quả mà họ rút ra được là Anh - nơi sản sinh ra bóng đá -
đã quên đi rằng mình cần có người để dậy bóng đá.
Nếu như Đức sở hữu tới 28.400 huấn luyện viên bằng B, 5.50 bằng A và
1.070 bằng chuyên nghiệp thì các con số này của Anh lần lượt chỉ là
1.759, 895 và 115! Trong khi liên đoàn bóng đá Anh FA dựa cả vào các câu
lạc bộ trong việc đào tạo trẻ thì DFB lại nhìn nhận sự việc theo một
hướng khác: “Nếu chúng tôi hỗ trợ các câu lạc bộ thì chúng tôi cũng đang
giúp chính mình, bởi các cầu thủ lên tuyển tới từ chính các câu lạc
bộ.”
Đó là lý do mà Đức đã tích cực hỗ trợ các câu lạc bộ trong việc nuôi
dưỡng tài năng bóng đá trẻ. Theo thống kê, các câu lạc bộ chuyên nghiệp
của Bundesliga đã dành ra trung bình khoảng 85 triệu euro mỗi năm trong
giai đoạn 2002 tới 2010 cho công tác huấn luyện trẻ
Brazil cũng nên làm điều tương tự?
Giờ đây, thành tích của "Die Mannschaft" tại các giải đấu lớn cho thấy
họ đã đi đúng hướng và đang gặt hái quả ngọt. Kể từ khi lọt vào bán kết
World Cup 2006 được tổ chức tại sân nhà với lối chơi tấn công đẹp mắt
dưới thời Jurgen Klinsmann. đội tuyển Đức của Joachim Low đã có hai lần
vào bán kết (World Cup 2010, Euro 2012) và một lần vào chung kết Euro
(2008).
Trong đội hình họ mang tới World Cup lần này, bên cạnh những cựu binh ở
độ chín như Lahm, Schweinsteiger hay Neuer... là những cầu thủ trẻ nhưng
đã nổi lên như những tài năng hàng đầu thế giới ở vị trí của mình và đã
chơi bóng đá đỉnh cao được vài năm. Đó là Toni Kroos (24 tuổi), Thomas
Mueller (24), Mesut Oezil (25), Mario Goetze (20), Andre Schurrle (23)
hay Julian Draxler (20).
Trong số này, Mueller, Kroos và Schurrle đã trực tiếp lập công giúp Đức
nhấn chìm Brazil một cách tủi hổ với tỉ số 7-1. Và đó là họ còn không
thể mang tới World Cup hai tài năng khác là Marco Reus (24) và Holger
Badstuber (25) do chấn thương!
Thuật ngữ “Mineirazo” đã được người Brazil dùng để mô tả lại đêm kinh
hoàng diễn ra tại sân Estadio Mineirao, khi giấc mơ vàng lần thứ sáu của
200 triệu người Brazil bị “xe tăng Đức” nghiền nát một cách không
thương tiếc. Báo chí nước này ví von thảm họa mà David Luiz và các đồng
đội phải hứng chịu như thất bại lịch sử của đội tuyển quốc gia Brazil
tại sân Maracana trước Uruguay năm 1950.
Brazil cần phải học tập người Đức. (Nguồn: Getty Images)
Thực tế, các dấu hiệu tồi tệ đã xuất hiện từ lúc Neymar gục ngã đau đớn
trong trận tứ kết trước Colombia và bầu không khí u ám bao trùm lên cả
Brazil. Khi mà một quốc gia từng năm lần vô địch thế giới, từng sản sinh
ra những cái tên kiệt xuất như Pele, Garrincha, Zico, Romaria,
Ronaldo... lại phó mặc hết hy vọng vào một cầu thủ 22 tuổi và chỉ mới
chơi bóng đỉnh cao tại châu Âu một mùa giải, thất bại trước một tuyển
Đức có lối chơi khoa học là điều không khó hiểu. Dù rất tài năng nhưng
nếu sinh sớm 10 năm, hẳn Neymar cũng phải dự bị cho những Ronaldo,
Ronaldinho, Rivaldo hay Kaka ở đội tuyển Brazil.
Nhưng đây cũng chính là cơ hội để họ đứng lên và tái sinh từ đống tro
tàn giống con phượng hoàng trong truyền thuyết. Chính phủ của bà Dilma
Rousseff đã chi ra hàng tỷ USD để tổ chức World Cup và vấp phải sự phản
đối của người dân, song có lẽ sẽ chẳng mấy người lên tiếng nếu một phần
nhỏ trong đó được sử dụng để xây dựng hệ thống đào tạo trẻ sau vụ
“Mineirazo.”
Đức không phải nước duy nhất thành công với mô hình này, khi đội tuyển
Bỉ cũng đã kiên trì theo đuổi bóng đá trẻ trong hơn một thập kỷ. Từ chỗ
là nước chủ nhà đầu tiên không thể vượt qua vòng bảng tại Euro 2000, Bỉ
giờ đây đã tiến sâu tới tứ kết World Cup 2014 với một thế hệ vàng của
những Hazard, Witsel, Courtois, De Bruyne hay Lukaku...
Đã tới lúc người Brazil cần hành động, nếu muốn tránh một “Mineirazo” khác trong tương lai./.
(Vietnam+)