Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 25/5/2009 21:55'(GMT+7)

Tuần này, Quốc hội tiếp tục bàn thảo nhiều nội dung quan trọng

Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về “Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”. Báo cáo đi sâu đánh giá, phân tích tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008, kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2009 trong những tháng đầu năm. Báo cáo nêu đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng quát, theo đó ngăn chặn suy giảm kinh tế trở thành mục tiêu cũng là nhiệm vụ hàng đầu. Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh 4 chỉ tiêu kinh tế và phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% còn 5,0%, bội chi ngân sách tối đa 8,0% (chỉ tiêu trước là 5%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%, điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% (tức là khống chế ở mức một con số).

Chính phủ đã đưa ra 5 nội dung lớn trong chỉ đạo, điều hành nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đó là: Thực hiện có hiệu quả gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; Chuyển chính sách tài chính tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát; Chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm; Bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, tạo đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009.

Qua báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như các ý kiến thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội với trọng trách đại diện cho đông đảo cử tri đều cơ bản đồng tình với các đề xuất, giải pháp ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.

Về thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn chưa thể tiếp cận nguồn vốn kích cầu. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những điều khoản, quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, đơn vị, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ các vấn đề liên quan đến gói kích cầu như nguồn vốn huy động cho gói kích cầu được lấy từ đâu, nếu nguồn thu giảm mà mức tăng chi cao thì bù đắp bằng nguồn nào. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của gói kích cầu và đề nghị Chính phủ báo cáo rõ với Quốc hội về mục đích, hiệu quả của gói kích cầu sau một thời gian chính sách đưa vào cuộc sống.

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên Quốc hội đã tiến hành công tác xây dựng luật. Sau nhiều lần tiếp thu, lấy ý kiến của chuyên gia pháp luật, các bộ, ngành và tiến hành thảo luận tại các Ủy ban của Quốc hội và tại các phiên họp thường kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội, một số dự án luật như: Luật Bồi thường Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Điện ảnh, luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai đã được trình trước Quốc hội và tiến hành thảo luận.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, trong tuần tiếp theo này các đại biểu sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật và thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Ngày 26-5 và sáng 27-5, (được truyền hình trực tiếp) Quốc hội sẽ nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

Vào ngày làm việc cuối cùng của tuần (30-5), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân sẽ trình bày Tờ trình “Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014” trước QH. Đây là vấn đề đang được cử tri, dư luận xã hội quan tâm vì có liên quan đến việc điều chỉnh học phí.

Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó đề cập vấn đề thống nhất sổ đỏ, sổ hồng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh với nhiều nội dung mới liên quan đến bệnh nhân và thầy thuốc..

Theo dự kiến, tại kỳ họp này sẽ có 12 dự án luật được thông qua và cho ý kiến đổi 5 dự án luật.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất