Lần đầu tiên ở Việt Nam, có 2 ấp ở huyện Tịnh Biên - An Giang là ấp Vồ Bà và ấp Tà Lọt, xã An Hảo trở thành những ấp 100% các gia đình trong ấp đều dùng năng lượng từ mặt trời.
Tại lễ khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 diễn ra sáng
21/8 tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và
Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) đưa ra đề nghị nhân rộng mô
hình tại huyện Tịnh Biên - An Giang ra nhiều nơi ở Việt Nam, với mong
muốn giúp cho các hộ gia đình chưa có điện lưới quốc gia sẽ sớm có điện
để xài từ việc sử dụng nguồn điện từ pin mặt trời.
Với thông điệp “mở đường cho năng lượng tái tạo đến từng gia đình Việt
Nam”, sự kiện diễn ra vào sáng 21/8 tại Hà Nội là khởi đầu cho chuỗi sự
kiện diễn ra tại 3 thành phố lớn gồm Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ.
Theo các chuyên gia về điện, chương trình điện khí hóa nông thôn tại
Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 100% số hộ gia đình ở nông
thôn, vùng sâu vùng xa có điện nhưng đến nay quá trình thực hiện xem ra
gặp nhiều khó khăn (chủ yếu là do mức đầu tư cao). Trong khi đó, các
giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo (như điện mặt trời) độc lập, không
nối lưới cho những vùng chưa có điện lưới đã chứng minh được tính hiệu
quả kinh tế và môi trường.
Vì vậy, đây là một trong chìa khóa để giúp hoàn thành chương trình
điện khí hóa nông thôn Chính phủ đã đặt ra. Vào ngày 22 và 23-8, tại Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cùng
thảo luận về chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời phù hợp và
hiệu quả với Việt Nam. Đồng thời, sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” cũng
sẽ được khởi động tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí
hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho biết mô hình pin năng lượng mặt trời
tại nhà là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí
hậu, dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo TS . Lê AnhTuấn, bằng cách đi theo con đường phát triển năng lượng tái tạo
từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thuỷ triều,
điện sóng biển, điện địa nhiệt… sẽ phù hợp với khu vực này. Thực tế, nếu
tính chi phí - lợi ích lâu dài, thì giá điện từ nguồn năng lượng tái
tạo không hề đắt hơn nhiệt điện than.
Trong khi, phát triển nhiệt điện than ở vùng ĐBSCL rất đắt, giá thành
thường tăng xấp xỉ 2%/năm. Tại Việt Nam, có 14 nhà máy than, nhưng chưa
có cảng tiếp nhận than. Giá điện tái tạo nhìn có vẻ cao hơn, nhưng tương
lai (trên dưới năm 2030) thì sẽ cân bằng, trong khi lại không gây hại
môi trường./.
Văn Phúc (Báo SGGP)