Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 27/8/2010 16:35'(GMT+7)

Tương phản Đông – Tây

Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế-tài chính mạnh của Trung Quốc.

Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế-tài chính mạnh của Trung Quốc.

Lệt bệt kinh tế Mỹ

Báo cáo do Viện Phá sản Mỹ công bố mới đây cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2010, số đơn xin phá sản ở nước này đã lên tới 770.000 đơn, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái và là thời điểm có số lượng đơn xin phá sản nhiều nhất kể từ khi Quốc hội Mỹ cải tổ luật phá sản vào năm 2005. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cũng đưa ra báo cáo về tình hình việc làm, theo đó, kể từ khi kinh tế bắt đầu suy thoái vào cuối năm 2007, mặc dù khu vực tư nhân đã tuyển dụng trở lại khoảng 600.000 nhân công song nước Mỹ vẫn mất 7,9 triệu việc làm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao 9,5%, gấp đôi mức trước khi xảy ra suy thoái. Chuyên gia kinh tế C.Hây (Kathleen Hays) thuộc Tập đoàn tài chính Bloomberg của Mỹ dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên trên mức 10% trong tháng tới và sẽ lên tới 12% vào tháng 11-2010… Các dấu hiệu về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ dường như chưa chấm dứt và trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới này lại đang suy giảm.

Viễn cảnh u ám tiếp tục được các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ khẳng định: Xu thế tăng trưởng âm sẽ còn tiếp tục trong quý III và cả quý IV/2010. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng thừa nhận xu thế này và đang khẩn cấp tìm phương thức cứu vãn. Giới phân tích kinh tế khẳng định phải cần tới 6.000 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Các chuyên gia kinh tế Mỹ cũng phải công nhận, thực tế chính sách kích thích tài chính đã không mang lại kết quả như mong muốn. Chính Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) đã thừa nhận những tiến bộ mà chính quyền đã đạt được trong nỗ lực phục hồi kinh tế là chưa đủ để "trám những lỗ hổng" trong nền kinh tế Mỹ sau cuộc suy thoái vừa qua.

Thực trạng bê bết của nền kinh tế, khoản chi phí khổng lồ cho chiến tranh, cùng khoản nợ khổng lồ… đang khiến uy tín của chính quyền Ô-ba-ma sụt giảm thê thảm. Hiện chỉ có 45% dân chúng Mỹ ủng hộ những việc Tổng thống Ô-ba-ma đang làm trong Nhà Trắng so với 48% người dân không đồng tình với ông. Tệ hơn, có tới 62% người được hỏi đã trả lời nước Mỹ đang đi sai hướng.

Sức mạnh kinh tế Đông Á

Có ý kiến cho rằng, sức mạnh kinh tế thế giới đang chuyển từ Tây sang Đông. Quá trình này đã bắt đầu diễn ra và trong vài năm tới sự dịch chuyển sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. Nhận định trên không phải không có cơ sở khi nhìn vào những chỉ số kinh tế khá “đẹp” của các nước trong khu vực Đông Á gồm 10 thành viên của ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... kể từ cuối năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010. Báo cáo theo dõi kinh tế châu Á số mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á đã sẵn sàng bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ suy thoái đến phục hồi.

 Kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 11,1% trong nửa đầu năm 2010, kinh tế Ấn Độ cũng có thể đạt tăng trưởng 8,4% trong cả năm 2010, trong khi đó Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng 7,2% trong sáu tháng đầu năm nay, kinh tế khu vực ASEAN cũng vươn lên trong khoảng 6,5%... Theo ADB, sự hồi phục có thể diễn ra theo hình chữ V, chủ yếu nhờ vào kích cầu trong nước và sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực cũng như những tín hiệu cho thấy suy thoái đã chạm đáy. 

Tuy nhiên, với số dân quá đông, do đó mức sống của phần lớn người dân trong khu vực này vẫn đang còn thấp. Các số liệu đưa ra so sánh cũng chỉ là tương đối. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa phương Đông và phương Tây về công nghệ, khả năng quân sự và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế. Song, có một điều chắc chắn quyền lực toàn cầu đang có nhiều thay đổi trong những năm gần đây nhờ sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế./.

(Theo: Nguyễn Hòa/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất