Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 23/4/2014 21:34'(GMT+7)

Tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đoạt giải quốc gia môn Lịch sử

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tại buổi lễ

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tại buổi lễ

Ngày 23/4, tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam đã tổ chức tuyên dương và trao thưởng cho 217 học sinh trung học phổ thông đoạt giải quốc gia môn lịch sử bao gồm 6 giải Nhất, 51 giải Nhì, 73 giải Ba và 87 giải Khuyến khích.

Các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ

Theo định kỳ, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử các trường Trung học phổ thông. Hoạt động tuyên dương và trao thưởng học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử trung học phổ thông đã được Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tiến hành trong 3 năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tới. Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động góp phần chấn hưng việc dạy và học, cũng như nghiên cứu và phát triển sử học Việt Nam của Quỹ nhưng là một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong tình hình dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay.

Có thể thấy những hoạt động kỷ niệm hàng năm các sự kiện lịch sử của dân tộc luôn thu hút sự quan tâm và niềm vui sướng, tự hào của lớp trẻ; biết bao thanh niên, trí thức trẻ luôn vững vàng bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, hải đảo tình nguyện cống hiến bảo vệ sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở vùng sâu, vùng xa, ở những công trình có hàm lượng khoa học kỹ thuật tầm quốc gia và quốc tế. Miền quê nào cũng có những tấm gương hiếu đễ, nhân hậu, cao thượng từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Điều đó chứng tỏ các thanh, thiếu niên Việt Nam đang kế thừa và phát huy xứng đáng những truyền thống, những giá trị lịch sử của dân tộc mà các bậc cha anh tiên liệt đã vun đắp nên.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những thành tích mà các em học sinh đã đạt được. Thành tích học tập của các em là kết quả của quá trình đổi mới dạy và học lịch sử đang bắt đầu trong các nhà trường. Phải được trang bị những kiến thức lịch sử phong phú, đặc biệt là những giá trị được rút ra một cách tự nhiên từ những hiểu biết về lịch sử, được trải nghiệm trong cuộc sống xây dưng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, thế hệ trẻ mới có được những tư tưởng, đạo đức, tình cảm lành mạnh, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, đúng đắn để sống đẹp, sống vinh cùng gia đình quê hương, đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cao những thầy cô giáo miệt mài với sự nghiệp trồng người, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đem đến những tiết giảng hay, tổ chức những hoạt động giáo dục sáng tạo, sinh động, kích thích đam mê, khơi dậy tinh thần hiếu học, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề nghị giáo dục lịch sử trong nhà trường cần phải tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới cách tiếp cận, lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tổ chức cho học sinh nhiều cơ hội lĩnh hội kiến thức lịch sử, có nhiều cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức đó trong cuộc sống để hình thành trong các em sự yêu thích bộ môn, niềm tự hào mình là người Việt Nam, sẵn sàng và quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, ngày càng giàu đẹp trong bối cảnh kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Chỉ có như thế, môn Lịch sử nói riêng và nhiệm vụ giáo dục lịch sử nói chung mới góp phần quan trọng để cùng với nền giáo dục nước nhà đào tạo cho xã hội những thế hệ học sinh đủ đức, đủ tài, những con người vừa hồng vừa chuyên.


 
 
Các học sinh đạt giải Nhất kì thi học sinh giỏi quốc gia 2014 môn Lịch sử
nh
ận giấy khen và phần thưởng.

Phát biểu tại buổi lễ, GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, trong tình hình nền giáo dục phổ thông chưa được cải cách, chất lượng giáo dục môn lịch sử còn nhiều hạn chế, đại đa số học sinh không thích học môn lịch sử, coi như môn học nặng về trí nhớ, môn học của các sự kiện, số liệu, thiếu tính sáng tạo thì các em tự nguyện tham gia kỳ thi quốc gia môn lịch sử và đoạt giải cao rất cần được vinh danh và biểu dương. Rõ ràng, các em đã tự thoát ra khỏi tình trạng dạy và học môn Sử gây chán ngán trong học sinh, tự tìm ra niềm hứng thú học tập bằng những cách mới, bằng những tìm tòi trong trau dồi kỹ năng, phương pháp tư duy. Cùng đồng hành với các em là những thầy cô giáo nhiệt huyết, đầy tinh thần trách nhiệm, chăm lo cải tiến cách dạy, truyền cho học sinh niềm say mê và phương thức biến môn học bị coi là học thuộc lòng thành một thế giới tri thức hấp dẫn, đầy sáng tạo.

 GS. Phan Huy Lê cũng đề nghị ngành giáo dục nên tổng kết những kinh nghiệm thành công của các thầy cô giáo và học sinh trong dạy và học môn sử để góp phần triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó, phương pháp dạy và học bộ môn là một nhân tố có vai trò quan trọng. 

Đối với môn Sử nói riêng, GS. Phan Huy Lê cũng đề nghị phải làm thế nào đánh giá được sự hiểu biết và cách vận dụng những hiểu biết đó cùng năng lực tư duy của học sinh. Muốn khắc phục những hạn chế, khôi phục vị thế về chức năng giáo dục môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông, tạo nên sự hứng thú và say mê học tập của học sinh, phải đặt nó trong yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, phải cải cách từ chương trình, sách giáo khoa đến đào tạo đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy và học sử. Việc tổ chức trao thưởng cho học sinh môn Sử là giải pháp nhằm cổ vũ các em như những tấm gương sáng trong tinh thần nỗ lực học tập một cách thông minh, hiệu quả.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới, căn bản toàn diện và giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Giáo dục lịch sử trong nhà trường cũng chính là cách nghiên cứu kỹ câu chuyện của ngày hôm qua để nghiên cứu bước đi sắp tới của dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. 

Bên cạnh hoạt động trao thưởng học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử, tại buổi lễ, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam còn tiến hành trao học bổng cho sinh viên ngành Sử có thành tích học tập xuất sắc và sinh viên nghèo vượt khó có kết quả học tập tốt của các trường đại học tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất