Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, thí sinh có thể tham dự vào các kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức. Tuy nhiên, khi tham dự các kỳ thi riêng và sử dụng phương thức này, thí sinh cần phải hết sức lưu ý.
Bên cạnh 3 phương thức xét tuyển truyền thống gồm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm học bạ, phương thức xét tuyển thẳng có điều kiện thì phương thức thứ 4 là phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của các kỳ thi riêng của các trường cũng đang rất phổ biến, hiện có số lượng thí sinh tham dự khá cao.
Chẳng hạn, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức với số lượng thí sinh đăng ký tham dự lên đến hơn 90.000 thí sinh và tăng 9% so với kỳ thi tuyển sinh năm 2022, với gần 90 trường cao đẳng, đại học dùng kết quả này để xét tuyển.
Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được tổ chức đã thu hút gần 4.000 thí sinh dự thi. Năm 2023, có khoảng 60 trường cao đẳng, đại học trên cả nước dùng kết quả thi này để xét tuyển. Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, khi tham dự các kỳ thi riêng và sử dụng phương thức này, thí sinh cần phải theo dõi thông báo của Hội đồng tuyển sinh của trường dự thi.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân phân tích, mỗi trường có một dạng câu hỏi và cách tính điểm khác nhau. Cấu trúc đề thi, điểm thi của các bài thi do Hội đồng tuyển sinh của các trường đưa ra. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có tổng điểm bài thi đánh giá năng lực là 1.200 điểm, Đại học Quốc gia Hà Nội có tổng bài thi 1.500 điểm.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết, điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay đó là ngưỡng điểm chất lượng đầu vào của hai khối ngành đào tạo giáo viên và đào tạo sức khỏe có chứng chỉ hành nghề. Nếu như năm trước, ngưỡng điểm chất lượng đầu vào của hai khối ngành trên chỉ quy định đối với phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét kết quả học bạ thì năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng điểm đầu vào đối với các kỳ thi riêng. Dó đó, các thí sinh cũng cần phải hết sức lưu ý.
Ngoài ra, thí sinh còn phải lưu ý thêm cách tính điểm ưu tiên của từng trường mà thí sinh định nộp hồ sơ xét tuyển. Trước khi nộp hồ sơ, thí sinh phải lên trang web của các trường để xem mức điểm xét tuyển của từng ngành học.
Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thêm, không giống như phương thức xét tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, tất cả các cơ sở giáo dục đều sử dụng kết quả thi; còn đối với kỳ thi riêng, không phải trường nào cũng sử dụng kết quả. Các trường tổ chức kỳ thi riêng sẽ dành chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này nhiều hơn, còn các trường không tổ chức thì chỉ tiêu ở phương thức này không cao. Do đó, thí sinh khi sử dụng kết quả kỳ thi riêng để xét tuyển đại học cần phải tìm hiểu xem trường nào sử dụng kết quả đó và chỉ tiêu như thế nào.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh, trong đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục hiện nay, điều kiện cần đó là tốt nghiệp THPT, sau đó mới sử dụng các kết quả kỳ thi khác. Do đó, trong tất cả các kỳ thi thì kỳ thi quan trọng nhất vẫn là kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi nếu thí sinh không tốt nghiệp THPT thì tất cả kết quả còn lại cũng không còn ý nghĩa./.
Theo baotintuc.vn