TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 260 nghìn công nhân làm việc trong các khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN). Do sự hiểu biết về an toàn tình dục còn hạn chế cho nên tình trạng tự ý nạo phá thai diễn ra phổ biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn.
"Muốn hỏi nhưng ngại"
Khảo sát thực tế tại nhiều khu trọ công nhân (CN) trên địa bàn quận Thủ Ðức, Bình Tân, quận 7... cho thấy, phần lớn CN chưa được tiếp cận với các hoạt động tuyên truyền, tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản (SKSS). Nhiều CN cho rằng, suốt cả tuần đi làm bận bịu cho nên không có điều kiện tìm hiểu các kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân. Nếu có thì cũng chỉ qua phương thức "truyền miệng" hoặc "nghe nói". Chính điều này đã dẫn đến sự thiếu hiểu biết trong việc trang bị kiến thức về SKSS, nhất là CN nữ. Chị Trần Thu Loan, làm việc tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) cho biết: CN bọn em vào làm việc hết giờ rồi lại về phòng cho nên ít được tham gia các buổi tuyên truyền. Hơn nữa, công ty cũng không chú trọng vấn đề này cho CN cho nên không biết tìm hiểu ở đâu.
Thực trạng kể trên cũng diễn ra tương tự tại nhiều khu trọ CN khác ở Thủ Ðức, quận 7. Tại buổi tuyên truyền về SKSS do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN (gọi tắt là Trung tâm) và tổ chức Marie Stopes Internationnal Việt Nam (MSIVN) tổ chức trong tháng 9 vừa rồi, khi bác sĩ tư vấn yêu cầu các CN đặt câu hỏi thì cả hội trường... im lặng. Một lúc lâu sau mới có một nam CN đặt câu hỏi nhưng với điệu bộ rất ngập ngừng, ấp úng vì... ngại. Một CN cho rằng: "Kiến thức an toàn tình dục là rất cần thiết nhưng ban tổ chức phải tổ chức theo hình thức nào đó để CN có thể giãi bày tâm sự mà không ngại những người chung quanh. Còn tại buổi tuyên truyền sức khỏe cho CN tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) tổ chức tối 7-10, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều chương trình như: ca nhạc, trao quà tặng, tặng túi thuốc cá nhân... Mặc dù lượng CN đến với chương trình khá đông nhưng tại gian hàng tư vấn sức khỏe lại rất ế ẩm. Thống kê của tổ chức MSIVN, có đến 25 loại bệnh nằm trong số bệnh lây qua đường tình dục nhưng qua khảo sát, một số CN cũng chỉ biết một cách lơ mơ về các bệnh như: AIDS, lậu, giang mai...
Sự hiểu biết còn hạn chế của các CN và sự quan tâm chưa đúng mức của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho nên rất nhiều CN hiểu biết về an toàn tình dục một cách mù mờ dẫn đến những hậu quả nặng nề. Tình trạng phá thai diễn ra khá phổ biến ở các nữ CN. Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca phá thai của CN chiếm khoảng gần 40% trong giới trẻ hiện nay. Ðó là chưa kể tình trạng các CN tự ý đến các cơ sở tư nhân không đủ chức năng phá thai để "giải quyết hậu quả". Hậu quả của tình trạng này đã làm nhiều nữ CN vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ sau này. Ðáng nói, nhiều CN khi lỡ sinh con do xấu hổ với gia đình, bạn bè và không đủ tiền để nuôi con... đã đang tâm vứt bỏ đứa con của mình.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ CN. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tư vấn, tuyên truyền và giáo dục về giới tính, bệnh lây qua đường tình dục, kiến thức về các biện pháp tránh thai... cho nam, nữ CN tại các KCX-KCN. Triển khai hàng chục đợt tuyên truyền trực tiếp tại các khu nhà trọ; khám miễn phí về sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho nữ công nhân, hiện đã triển khai khám lưu động đến địa bàn đông công nhân tại 24 quận, huyện, phục vụ gần 8.000 CN.
Trung tâm cũng thực hiện các hoạt động truyền thông thông qua hình thức "sân khấu hóa" nhằm giúp cho các bạn tiếp nhận thông tin một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu nhất. Thành lập câu lạc bộ tư vấn SKSS cho CN. Ngoài ra, Trung tâm còn ký kế hoạch liên tịch và hợp tác với các trung tâm tư vấn, các phòng khám... nhằm tăng cường các hoạt động tư vấn về sức khỏe sinh sản cho CN. Thời gian qua, mô hình Hội quán do Quỹ hỗ trợ CN xây dựng đã hoạt động hiệu quả tại một số Hội quán ở Thủ Ðức, Bình Chánh... Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn CN đến với "mái nhà chung", cần có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực hơn.
Giám đốc Trung tâm Huỳnh Ngô Tịnh, cho rằng: Các hoạt động tư vấn, tuyên truyền phải tổ chức thường xuyên, liên tục và luôn sáng tạo trong hình thức, nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp để CN được tiếp cận với các kiến thức về SKSS cần thiết. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tô Thị Kim Hoa, cho rằng: Ban Quản lý các KCN-KCX cần triển khai các chương trình tư vấn sức khỏe đến các chủ doanh nghiệp; tạo điều kiện về thời gian để công nhân tham gia vào chương trình khám SKSS, điều trị bệnh phụ khoa do Chi cục DS-KHHGÐ và các đoàn Y tế lưu động đến KCN-KCX. Các doanh nghiệp cần thành lập các phòng tư vấn tâm lý và SKSS để CN có thể tìm đến hỗ trợ bởi nhu cầu được tư vấn tâm lý, sức khỏe của CN là rất lớn. Hiện toàn thành phố có gần 4.000 cơ sở xây dựng Chương trình công tác nữ công để khám sức khỏe định kỳ và tuyên truyền SKSS cho nữ CN.
Theo Nhân Dân