(TG) - Mục tiêu của Nghị quyết 21 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định qui mô dân số. Do vậy trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỉ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết 21 - NQ/TW đã đề ra.
Chỉ tiêu quan trọng trong chương trình DS-KHHGĐ
Trong thực hiện chương trình Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), để đánh giá mục tiêu giảm sinh, thông thường được phân tích, đánh giá thông qua các chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh thô, tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên.
Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - TFR) là chỉ tiêu vĩ mô, dài hạn đánh giá cho cả một giai đoạn, như mục tiêu của Chính sách DS-KHHGĐ trong Nghị quyết TW 4 khóa 7 là phấn đấu đạt mức sinh thay thế từ 2,0-2,2 con bình quân cho mỗi cặp vợ chồng vào 2015; tỷ lệ sinh thô phản ảnh mức sinh biến đổi hàng năm, chỉ tiêu này là chỉ tiêu vi mô mang tính chất tác nghiệp hàng năm (ở Việt Nam trong một thời gian là chỉ tiêu giảm sinh Quốc hội giao hàng năm).
Ngoài ra, một trong những chỉ tiêu phục vụ tác nghiệp quan trọng trong chương trình DS-KHHGĐ, nhằm sớm phát hiện những biến động bất thường trong thực hiện mục tiêu giảm sinh đó là tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên. Trong các chỉ tiêu phản ảnh mức sinh, chỉ tiêu này thường rất “nhạy cảm” trong phản ảnh sớm các tình hình sinh bất thường trong thực hiện chính sách KHHGĐ. Ví dụ như năm 2004, sau khi có Pháp lệnh Dân số, một bộ phận dân số do chưa hiểu chính xác Điều 10 của Pháp lệnh qui định về quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng khi sinh con nên tỷ lệ sinh tăng trở lại. Điều này được phản ảnh qua tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng và tập trung tăng ngay trong nhóm cán bộ, đảng viên, những người có trình độ học vấn cao… Do sớm phát hiện vấn đề nên Ban Bí thư đã chỉ đạo ban hành quy định bổ sung, sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số để kịp thời điều chỉnh mức sinh.
Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Tây Nguyên cao nhất nước
Để xem xét, đánh giá mức sinh hiện nay, góp phần thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW của Hội nghị TW lần thứ 6 khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, chúng ta phân tích đánh giá tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên qua các số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (TCTK) trong những năm gần đây, chú trọng tập trung phân tích trong 3 năm 2015 - 2017.
Theo số liệu đã công bố của Tổng cục Thống kê, trong thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong cả nước giảm dần qua các năm, từ 18,5% năm 2006 xuống 14,2% năm 2012, bình quân 0,6 điểm phần trăm/năm. Tỷ lệ này ổn định, dao động ở mức trên dưới 14% trong 4 năm (2012 - 2014), chỉ tăng bình quân 0,1 điểm phần trăm/năm. Xu thế này không còn được duy trì và đã tăng nhanh trở lại kể từ năm 2015 lên mức gần 16% và năm 2016 là 16,3%, 2017 là 17,3%, bình quân tăng 0,5 điểm phần trăm năm (mức tăng cao xấp xỉ mức giảm cao trong thời gian tốt nhất ở thời kỳ 2006-2012). Như vậy là hiện nay mức tăng bình quân năm tăng gấp đôi so với trước đây.
Sự khác biệt về tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên chia theo vùng, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên cao nhất ở Tây Nguyên (28,3%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,7%). Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên thấp nhất lần lượt là 10,9% và 11,3%; đây cũng là 2 vùng có TFR thấp nhất của cả nước. Tây Nguyên là nơi cư trú của các dân tộc ít người, việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cũng như phương tiện truyền thông về KHHGĐ có hạn chế nên đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên của vùng này cao nhất nước.
So sánh từng năm thì cũng thấy rõ xu thế tăng, nếu so sánh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của 3 năm gần đây (2015-2017), năm 2015 và 2016 thì trong 6 vùng có: 1 vùng giữ nguyên; 2 vùng tăng (tăng nhiều, 0,4 và 0,6 điểm phần trăm) và 3 vùng giảm (giảm ít, 2 vùng giảm 0,2 và 1 vùng giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhưng so sánh năm 2016 và 2017 ta thấy xu thế tăng rõ rệt, trong 6 vùng: Chỉ có 1 vùng giữ nguyên (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); 5 vùng còn lại đều tăng và tăng rất nhiều, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc tăng 2,7 điểm phần trăm và tăng lớn nhất là vùng Tây Nguyên tăng 3,2 điểm phần trăm.
Đề ra các giải pháp kịp thời nhằm duy trì mức sinh thay thế
Khi xem xét tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các tỉnh, thành phố thì số liệu của năm 2016 cho thấy có 29/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên tăng so với năm 2015. Nhưng chuyển sang năm 2017 thì đã có 34/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên tăng so với năm 2016. Trong đó có một số tỉnh, thành phố như: Cao Bằng tăng 4,28 điểm phần trăm; Thái Nguyên 5,44; Phú Thọ 4,44; Vĩnh Phúc 4,32; Hà Nam 5,06; Ninh Bình 6,82; Bình Phước 5,18; Tiền Giang 5,35; Đồng Tháp 5,88. Đặc biệt có những tỉnh tăng rất cao như: Quảng Nam tăng cao nhất là 11,84 điểm phần trăm; Ninh Thuận là 8,25 điểm phần trăm.
Qua các phân tích trên cho thấy, trong 3 năm gần đây (2015-2017) tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên tăng lên cao và đã tăng ở cả 6 vùng. Đây là một chỉ tiêu quan trọng cần chú ý khi thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong việc thực hiện mục tiêu đạt mức sinh thay thế, đặc biệt như ở Việt Nam, văn hóa Á Đông có quan niệm “nhà đông con là nhà có phúc”.
Điều đặc biệt là khi có những biến động về sinh con thứ 3 trở lên lại thường xảy ra ở nhóm dân cư có trình độ văn hóa cao và ở cả cán bộ, đảng viên, điều này dễ tạo hiệu ứng trong xã hội về sinh con thứ 3 trở lên. Vừa qua ngày 27/12/2018, trong họp báo công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê đã ước tính tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của năm 2018 là 20,9%, tương đương với mức cao nhất (20,8%) xảy ra năm 2005 do tác động của Điều 10 Pháp lệnh Dân số dẫn đến phải sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh. Như vậy với mức tăng 3,6% so với năm 2017, đây cũng là mức tăng cao kỷ lục, cao hơn với mức tăng của cả thời kỳ 5 năm trước là 3,1% (2012-2017) là thời gian tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bắt đầu tăng trở lại. Mức tăng cao gấp 6 lần mức tăng trung bình của cả 5 năm trước.
Mục tiêu của Nghị quyết 21 - NQ/TW khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định quy mô dân số. Do vậy trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỉ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết 21 - NQ/TW đã đề ra.
Ngày 28/8/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định về việc kết nạp người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ vào Đảng. Ngoài những điều qui định chi tiết về những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; Tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó Điều 3 qui định về các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng cụ thể như: 1) Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; 2) Quần chúng đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ trong trường hợp sinh con thứ 5 trở lên. Như vậy là BCH Trung ương đã bổ sung những qui định rất cụ thể và cũng là nhắc lại trách nhiệm chấp hành thực hiện chính sách dân số trong tình hình mới. Mục tiêu của Nghị quyết 21 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, khóa XII về Công tác dân số vẫn khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định qui mô dân số do vậy trong những năm tới cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu này, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết 21 NQ/TW đề ra cho công tác dân số trong tình hình mới./.
TS Nguyễn Quốc Anh