Thứ Ba, 15/10/2024
Dân số và phát triển
Thứ Ba, 7/5/2019 11:14'(GMT+7)

Tăng trưởng dân số chịu tác động của chênh lệch mức sinh và di cư

Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: TL

Cán bộ dân số tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: TL

Những siêu đô thị trong thời gian gần

Thông tin từ Tổng cục Dân số cho thấy, quy mô dân số nước ta hiện nay gần 95 triệu người, tốc độ gia tăng dân số hàng năm vẫn ở mức trên 1%. Nghĩa là mỗi năm, dân số Việt Nam có thêm gần 1 triệu người.

Ông Đinh Thái Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, thường trực Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 chỉ ra một vấn đề, trong khi nhiều tỉnh có tốc độ phát triển dân số hàng năm thấp, thậm chí khoảng 0% (như Nam Định 0,04%, Thái Bình là 0,09%, An Giang là 0,09%), thì một số thành phố, tỉnh có kinh tế tương đối phát triển lại có tốc độ gia tăng dân số hàng năm cao, thậm chí vượt mức 2% (Bình Dương - 3,76%, Bắc Ninh - 3,11%, Đồng Nai- 2,21%).

“Trên toàn quốc, một số thành phố có quy mô dân số lớn, khoảng 8 triệu người và sẽ trở thành các siêu đô thị trong thời gian gần. Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, quy mô dân số TPHCM năm 2017 là gần 8,5 triệu, Hà Nội là gần 7,5 triệu. Ngược lại một số tỉnh có quy mô dân số nhỏ, khoảng 0,5 triệu người như Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum...”, ông Đinh Thái Hà nói.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho hay, xét trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong 12 năm. Tuy nhiên, nhiều tỉnh mức sinh biến động với biên độ lớn.

Phân tích cụ thể, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số) cho biết, các tỉnh phía Nam, mức sinh có xu hướng liên tục giảm, một số tỉnh giảm xuống mức rất thấp (dưới 1,6 con) như Đồng Tháp (1,34 con), TPHCM (1,36 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con). Ngược lại nhiều tỉnh phía Bắc mức sinh không ổn định, một số tỉnh đã tăng cao trở lại (trên 2,5 con). Điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2017 chỉ ra, mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ ở Hà Tĩnh sinh trung bình 3,24 con, Nghệ An (2,87 con), Lai Châu (2,86 con), Điện Biên (2,84 con), Quảng Trị (2,83 con)...

Hiện có 4/6 vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi rất cao, quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Chênh lệch mức sinh giữa các vùng sẽ trở thành yếu tố bất lợi cho việc ổn định quy mô dân số và phát triển kinh tế- xã hội, tác động tiêu cực đến bảo đảm an sinh xã hội.

“Nhiều gia đình có điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc con cái thì sinh ít con trong khi nhiều gia đình khó khăn thì sinh nhiều con ảnh hưởng đến việc nuôi, dạy và nâng cao chất lượng dân số”, ông Đinh Thái Hà chỉ ra vấn đề khó khăn.

Cùng với đó, ông Hà cũng cho rằng di cư là vấn đề xã hội đáng quan tâm trong thời gian tới. Dự báo di cư sẽ tăng lên 45% vào năm 2020 và lên 50% vào năm 2025.

Thực trạng này đòi hỏi phải có chính sách dân số và phát triển linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đảm bảo công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ KHHGĐ

Đại diện Tổng cục Dân số cho rằng, trong thời gian qua, chính sách dân số tập trung vào đối tượng là các phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ, không muốn sinh nhiều con; Nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Các đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn, người di cư, người lao động trẻ tại khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được quan tâm đúng mức.

Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ sử dụng phương tiện tránh thai hiện đại có xu hướng giảm, một số biện pháp tránh thai (BPTT) có hiệu quả cao, tác dụng lâu dài giảm nhanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Cơ cấu sử dụng BPTT có thay đổi theo hướng đang dạng hóa. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng các BPTT truyền thống hiệu quả thấp có xu hướng tăng. Khả năng đáp ứng và tiếp cận dịch vụ ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp, đôi khi còn gián đoạn.

Các dịch vụ hỗ trợ sinh sản mới tập trung ở các trung tâm y tế lớn, chi phí cao. Khả năng tiếp cận dịch vụ hạn chế, ảnh hưởng đến quyền làm mẹ và hạnh phúc gia đình. Cùng với hội nhập quốc tế, xu hướng kết hôn muộn, có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong 16 năm (1999-2016), tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) của nam đã tăng thêm gần 2,0 năm, SMAM của nữ tăng 0,2 năm. Cùng đó, một xu hướng xã hội đang diễn ra là làm mẹ đơn thân ngày càng phổ biến. Nhu cầu đổi mới, phát triển toàn diện các dịch vụ, chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Trong khi đó, công tác đào tạo, bồ dưỡng kiến thức liên tục cho người cung cấp dịch vụ còn hạn chế. Tỷ lệ nhân viên y tế, dân số tại cơ sở được đào tạo, đào tạo lại còn thấp, chưa thường xuyên.

Báo cáo Chương trình Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2020 cho thấy, tỷ lệ trạm y tế có cán bộ được đào tạo về kỹ thuật KHHGĐ là 67,4%, kỹ năng truyền thông tư vấn là 72%. Trung tâm y tế huyện có cán bộ được đào tạo cũng còn hạn chế (đặt dụng cụ tránh thai: 76,9%; cấy thuốc: 70,2%; tiêm thuốc: 64,3%; kỹ năng truyền thông tư vấn: 78,5%). Cùng đó, trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu, đặc biệt tuyến xã...

Một trong những mục tiêu đầu tiên được đặt ra trong dự thảo Chiến lược Dân số Việt Nam tới năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Theo đó, những mục tiêu cụ thể như: Bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người; Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; Giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn./.

T.N

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất