Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 25/8/2008 16:41'(GMT+7)

UBTVQH nghe ý kiến về dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm gồm 5 chương, 60 điều. Hiện nay còn 2 vấn đề chủ yếu còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật và giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm. Dự thảo mà Chính phủ trình quy định theo hướng điều chỉnh về nguyên tắc, thủ tục chung về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản, nhưng trong phần quy định cụ thể không bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đăng ký bất động sản).

Về giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm, Chính phủ cho rằng, giao dịch bảo đảm là một loại giao dịch dân sự, pháp luật cần tôn trọng quyền tự do cam kết, thỏa thuận của các bên theo hướng công nhận giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp pháp, không phụ thuộc vào việc giao dịch đó có được đăng ký hay không. Việc đăng ký không làm phát sinh thêm quyền của các bên tham gia giao dịch bảo đảm mà chỉ có giá trị pháp lý đối với người thứ 3.

Đây là một sự thay đổi lớn so với quy định hiện hành (giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ 3 kể từ thời điểm đăng ký và việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp pháp luật có quy định).     

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, sự cần thiết phải xây dựng và ban hành luật này chưa rõ; nếu ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm thì cần giải quyết mối quan hệ của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với việc công chứng các giao dịch đó; giá trị của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với giá trị của việc công chứng...

Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH cũng e ngại rằng việc thực hiện dự thảo luật (với nội dung như dự thảo hiện nay) có thể gây ra lúng túng cho các cơ quan thừa hành và bên liên quan./.
 
(SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất