Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 12/9/2012 22:12'(GMT+7)

UBTVQH thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của UBTVQH. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của UBTVQH. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 12/9, phiên họp thứ 11 của UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có 24 đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề liên quan của dự án luật này.

Theo đó nhiều ý kiến đại biểu nhất trí quy định không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Lý do là nếu viên chức giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Điều này cũng khiến cho giảng viên không đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng hành nghề.

Trước đó năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thảo luận rất kỹ vấn đề này khi nâng Pháp lệnh Luật sư thành Luật luật sư và đã “không chấp nhận giảng viên pháp luật hành nghề luật sư”, dự thảo báo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật viết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của UBTVQH vẫn bảo lưu quan điểm nên cho phép giảng viên pháp luật được hành nghề luật sư tư vấn hoặc giúp việc cho các tổ chức, cá nhân…

Giảng viên luật có được hành nghề luật sư hay không sẽ tiếp tục là nội dung thảo luận của Quốc hội để đi đến một quyết định cuối cùng cho dự án luật này tại Kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra trong tháng 10 tới.

Về các vấn đề khác, đa số ý kiến UBTVQH đều bày tỏ đồng tình, trong đó có việc thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng (thay vì 6 tháng như quy định hiện hành), không mở rộng đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư, không cho phép người tập sự nghề luật sư tham gia tố tụng,…

Đối với quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng việc cấp giấy chứng nhận là không bình đẳng. “Bên Viện Kiểm sát tranh tụng với luật sư mà lại có quyền cấp giấy chứng nhận thì luật sư mới được bào chữa là sao? Vị thế của luật sư phải được bình đẳng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.”, ông Lê Thúc Anh nói và đề nghị bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất