Thứ Hai, 23/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 19/4/2012 15:9'(GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục – Vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”

Các đại biểu về tham dự  “Ngày hội CNTT”. Ảnh: NH

Các đại biểu về tham dự “Ngày hội CNTT”. Ảnh: NH

Từ “bảng đen phấn trắng” đến “giáo án điện tử”

Đối với ngành giáo dục Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào dạy học không phải một sớm một chiều đã đạt kết quả khả quan. Vài năm trở về trước, khi CNTT và internet vẫn còn là một khái niệm xa vời và mơ hồ thì ý tưởng triển khai ứng dụng CNTT vào học đường được coi là một giải pháp khó thực hiện, thậm chí chỉ nhận được sự thờ ơ của mọi người. Ông Ngô Sỹ Thuyết, Giám đốc Công ty CP Minh Ngọc Việt Nam (đơn vị tham gia trong “Ngày hội CNTT”) cho rằng: Hiện nay, cách giảng dạy và học tập vẫn theo mô thức truyền thống với “bảng đen phấn trắng”, “thầy đọc, trò chép” đã ăn sâu vào tiềm thức và lối vận dụng của cả người dạy và học. Vậy chúng ta làm thế nào để vừa áp dụng phương pháp cũ, vừa kết hợp với công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, CNTT đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Cụm từ “giáo án điện tử”, “bài giảng điện tử” được nhiều người nhắc đến. Hoạt động dạy và học đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý trở nên tinh gọn, tiện lợi, các bài giảng bằng giáo án điện tử trở nên phong phú, hấp dẫn, tạo hứng thú, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập cho học sinh. Phương pháp dạy học bằng CNTT đã tạo ra được môi trường đa phương tiện kết hợp những hình ảnh video, camera… với âm thanh, văn bản, biểu đồ, kỹ thuật đồ họa nâng cao, ngân hàng dữ liệu khổng lồ, những thí nghiệm, tài liệu được cung cấp bằng nhiều kênh: kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động…

Giới thiệu khách tham quan các sản phẩm CNTT tại gian hàng của ngành giáo dục Huyện Đông Anh. Ảnh: NH


Theo ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, đến nay các cơ sở giáo dục Hà Nội được đầu tư gần như 100% điều kiện cơ sở vật chất, các thiết bị phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong quản lí giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy. Mạng lưới Internet đã được kết nối đến tất cả các đơn vị. Việc truy cập Internet, sử dụng máy tính phục vụ công tác quản lí và dạy học đã trở thành thói quen của nhiều nhà trường giáo viên và cán bộ quản lí.

Lợi thế của CNTT trong giáo dục còn có ý nghĩa mang lại sự bình đằng giữa đồng bằng, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Tổ chức giáo dục quốc tế (UNESCO) dự báo, trong tương lai gần, phương pháp và phương tiện giáo dục sẽ thay đổi với mục tiêu sẽ là: học mọi nơi, không phụ thuộc và không gian địa lí vì vùng sâu, vùng xa, nông thôn hay thành thị đều có chương trình học như nhau; học mọi lúc, không còn phụ thuộc vào giờ phát sóng truyền hình hay giờ đến trường; học suốt đời, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, tiếp cận kiến thức thường xuyên cho công việc cũng như đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng.

Ứng dụng CNTT trong giáo dục và những “góc khuất”

Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc ứng dụng CNTT vào dạy và học, song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay đa số học sinh thường dễ dàng tiếp xúc với CNTT thông qua các của hàng Internet đang phát triển như “nấm mọc sau mưa” xung quanh các trường học. Theo một số ý kiến của giáo viên trong “Ngày hội CNTT” nhận xét. Điều đáng báo động trong thời gian gần đây là tình trạng rất ít học sinh lên mạng để tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, còn lại đa số các em vào “quán nét” là để chơi game và các hoạt động không lành mạnh khác. Đã có trường hợp phòng tin học của trường chỉ dùng để…chơi điện tử, học sinh truy cập vào những trang web không đúng mục đích đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng ở tuổi học trò. Cho đến nay, hiện tượng này đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra lời giải.

Hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học ở một số vùng, số nơi đặc biệt là ngành giáo dục ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn mang hình thức chiếu lệ. Thậm trí ở những vùng này khái niệm internet, CNTT còn rất xa vời do điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư của ngành giáo dục ở các địa phương này còn hạn hẹp. Một nghịch lý đáng buồn là không ít các nhà trường được quan tâm đầu tư hệ thống CNTT khá đồng bộ, hiện đại nhưng chỉ để…làm cảnh. Hệ thống máy tính nối mạng tại các phòng chỉ để trưng bày cho đẹp, mạng Internet chưa được khai thác sử dụng hiệu quả, do đó các công văn, tài liệu chuyển qua thư điện tử đến trường đều không được xử lí kịp thời, hoặc có nhiều văn bản luôn có trên mạng nhưng nhà trường đều không biết dẫn đến việc làm sai quy định.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận, các kiến thức cơ bản về CNTT của đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những lớp giáo viên đã có thâm niên lâu năm trong nghề đã quen với các phương pháp giảng dạy truyền thống. Hơn thế, nhiều giáo viên khi sử dụng CNTT vào bài giảng quá chú trọng đến hình thức trình chiếu, quá lạm dụng hình ảnh minh họa, nhiều mầu sắc, sinh động, học sinh hào hứng, song khi kết thúc bài, học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức vì… mải xem hình. Ngoài ra, với sự phát triển của CNTT, việc khai thác và cung ứng rất nhiều dịch vụ trên hệ thống truyền hình và Internet, người ta có cảm giác là mọi thứ đã được bày sẵn, chỉ có việc dùng chứ không phải động não, tâm lý hưởng thụ nảy sinh … Điều này có thể tạo cho một số người học thói quen thụ động trong học tập.

Lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT trong ngành vẫn còn có những hạn chế nhất định, chưa đồng bộ và thiếu sự đa dạng. Đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản dẫn đến hiện tượng người giáo viên đó không thể khai thác một cách có hiệu quả các bài giảng có trên mạng Internet để làm phong phú, tăng thêm hiệu quả trong bài giảng của mình.

Trong khuôn khổ “Ngày hội CNTT vừa được ngành giáo dục đào tạo Hà Nội tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, yếu tố quyết định đến hiệu quả sử dụng vẫn là yếu tố con người, CNTT với tư cách là một phương tiện hỗ trợ vô cùng hữu hiệu cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, nhưng với điều kiện người sử dụng nó phải am hiểu sâu sắc, kỹ năng sử dụng thành thạo, đặc biệt là từng hoàn cảnh và hoạt động giáo dục cụ thể.

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, công tác quản lý, điều hành của ngành trở lên tinh gọn và giản tiện, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh từng bước tiếp cận với các phương pháp giáo dục hiện đại với sự hỗ trợ đắc lực của CNTT. Việc ứng dụng CNTT vào giáo dục đào tạo là một hướng đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh nền Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng cho mục tiêu CNH, HĐH đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết TW2 khóa VIII về lĩnh vực giáo dục – đào tạo coi việc “áp dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội”./.

Ngũ Hiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất