Sau gần 2 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích của mình trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan BHXH… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của bản thân.
TIỆN LỢI, CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Tháng 11/2020, ứng dụng VssID được BHXH Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, BHXH Việt Nam liên tục đổi mới, cập nhật, bổ sung nhiều tính năng mới trên ứng dụng VssID bảo đảm tính ưu việt, tiện dụng hơn cho người sử dụng như: dễ dàng tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin và trong thực hiện dịch vụ công với cơ quan BHXH. Qua theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia còn có thể trực tiếp tự giám sát, bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của mình. Đặc biệt, tại những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng ứng dụng VssID đã góp phần hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đáng chú ý, từ ngày 1/6/2021, người dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi khám chữa bệnh (KCB) thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này được coi là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB.
THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI CÀI ĐẶT, SỬ DỤNG ỨNG DỤNG
Nhằm phổ biến rộng rãi ứng dụng VssID đến người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới phục vụ tốt hơn người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
Qua theo dõi các phản hồi của người dùng, trên hai kho ứng dụng, đến nay đã có hơn 6 nghìn lượt nhận xét, đánh giá và góp ý về ứng dụng VssID. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng về những hữu ích thiết thực của ứng dụng... giúp người dân, người lao động chủ động, kịp thời quản lý các thông tin, trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân.
GÓP PHẦN HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC NGĂN CHẶN TRỤC LỢI QUỸ BHXH, BHYT
Thông qua ứng dụng VssID, người dùng không chỉ theo dõi được các thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN mà còn nắm rõ được lịch sử KCB BHYT của bản thân. Qua đó, giúp người dùng thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động và quá trình thụ hưởng các chính sách của mình, góp phần công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đây cũng được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Thời gian gần đây, BHXH Việt Nam đã nhận được một số phản ánh của người dùng ứng dụng VssID về việc thông tin quá trình KCB BHYT của cá nhân trên ứng dụng VssID không chính xác do chưa từng dùng thẻ BHYT để đi KCB tại các cơ sở KCB được hiển thị trên ứng dụng. Trên cơ sở nắm bắt các thông tin phản ánh về tình trạng trên, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ liên quan kiểm tra, rà soát có hướng xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT (nếu có).
Hiện ứng dụng VssID vẫn tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện các tính năng sử dụng ứng dụng nhằm mục tiêu đem đến cho người dùng các tính năng thuận tiện, hữu ích nhất. Trong quá trình vận hành, nâng cấp ứng dụng, đồng bộ hóa dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có thể còn trường hợp chưa chính xác về dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam mong người dùng ứng dụng thông cảm. Để hạn chế tình trạng sơ suất này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố, thường xuyên hoàn thiện và đồng bộ về dữ liệu thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo thông tin cung cấp trên ứng dụng VssID đúng với quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách của người dùng ứng dụng.
BHXH Việt Nam khuyến nghị, người dân hãy tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, thường xuyên theo dõi, truy cập ứng dụng để nắm bắt thông tin, giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN từ đó chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay khi phát hiện có thông tin sai lệch về quá trình tham gia hoặc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia cần phản ánh ngay với cơ quan BHXH tỉnh, huyện hoặc cơ quan BHXH Việt Nam thông qua Tổng đài hỗ trợ 1900.9068, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để được hỗ trợ, giải đáp và xử lý kịp thời./.
BOX: BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công
Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng 17 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công (DVC), tăng 1 bậc so với DTI năm 2020 (17 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công).
Cụ thể, BHXH Việt Nam xếp thứ 3/17 với 0,5747 điểm. DTI của các bộ, ngành có cung cấp DVC gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Trong đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1, hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và nhận thức số xếp hạng thứ 3.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung các dịch vụ công trực tuyến cập nhật trên Hệ thống giao dịch BHXH điện tử. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
Đặc biệt, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN), ứng dụng VssID - BHXH số (dành cho cá nhân).
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện việc kết nối sử dụng dịch vụ "Xác nhận thông tin hộ gia đình" và triển khai dịch vụ "Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng" trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe”, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của ngành, chính thức áp dụng, triển khai thực hiện từ ngày 15/6/2022.
Có thể nói, với vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng các Bộ, ngành có cung cấp DVC (năm 2021), BHXH Việt Nam tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Trọng Đạt