Sáng 2/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 12, sáng 2/11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống bão. Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị huy động cả hệ thống chính trị, triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển: Phú Quý, Hàm Tân, La Gi, Tuy Phong và Phan Thiết cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Thanh tra thủy sản triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, tiếp tục phát lệnh kêu gọi tàu thuyền trên biển, đảm bảo đến 17 giờ ngày 2/11, toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Các địa phương, đơn vị nhanh chóng rà soát, sắp xếp lại nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền để hạn chế thiệt hại do mưa to gây lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng phương án sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, sạt lở đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận kiểm tra và có phương án vận hành các hồ chứa an toàn, chủ động điều tiết sớm qua tràn hạ thấp cao trình đón lũ, không gây lũ chồng lũ vùng hạ du khi xả lũ…Các lực lượng chức năng và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư và lực lượng để kịp thời sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận: Hiện nay có 10 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình. Đến 6 giờ ngày 2/11, toàn tỉnh còn 830 phương tiện với 4.304 lao động đang hoạt động trên biển gần bờ; 1.562 phương tiện với 9.372 lao động vào các bến tránh trú an toàn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng UBND huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tùy vào diễn biến bão quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng dừng hoạt động. Các quận huyện, phường xã, thị trấn triển khai ngay phương án để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, đặc biệt là ở khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm; chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư. UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của UBND thành phố.
Tại tỉnh Cà Mau, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đến sáng 2/11, toàn tỉnh có 3.727 tàu cùng với 17.369 ngư dân đã vào đất liền neo đậu tránh bão. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau vẫn chưa bắt liên lạc được với 4 tàu cá đang hoạt động khai thác xa bờ, các tàu còn lại đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú bão.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn chủ động ứng phó với cơn bão số 12. Cùng với đó, chính quyền các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý và kiểm đếm tàu cá, sắp xếp bến bãi cho tàu cá vào neo đậu; đồng thời vận động người dân củng cố đội tàu để kết hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển khi cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh rà soát, xác định các điểm trường có khả năng chịu ảnh hưởng của bão và cho phép học sinh tại một số điểm trường mầm non, tiểu học ở các khu vực xung yếu ở các xã ven biển như Khánh Hội và Khánh Tiến (huyện U Minh), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) được nghỉ học để đảm bảo an toàn...
Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị tốt phương án ứng phó với bão, có kế hoạch sơ tán, di dời hàng ngàn hộ dân ven biển vào nơi trú tránh an toàn khi bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện chằng chống nhà cửa, gia cố, đắp cao bờ bao để phòng nước dâng gây ngập tràn, gây thất thoát thủy sản đang được nuôi trồng, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường hàng hóa thiết yếu .
Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam có ý kiến với các nước, vùng lãnh thổ có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá của ngư dân vào vùng biển nước ngoài để tránh bão. Hải quân Vùng 5 và Vùng 4 Cảnh sát biển chỉ đạo việc triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với cơn bão, trước mắt triển khai tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn và thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Theo TTXVN