Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 2/8/2015 21:3'(GMT+7)

Ươm giữ nhân tài

Đoàn Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế. Ảnh: qdnd.vn

Đoàn Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế. Ảnh: qdnd.vn

“Mở màn” là việc cả 5 thí sinh Việt Nam đều đoạt giải Ô-lim-pích Vật lý quốc tế (3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc). Tiếp đó, tại cuộc thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế, cả 6/6 thí sinh Việt Nam tham dự đều đoạt huy chương (gồm 2 vàng, 3 bạc, 1 đồng), đứng thứ 5/104 đoàn tham dự. Vẫn trên đà thắng lợi, tại cuộc thi Ô-lim-pích Hóa học quốc tế, cả 4 học sinh của đoàn Việt Nam tiếp tục đoạt giải (1 vàng, 2 bạc, 1 đồng). Và “mở hàng” trong tháng 8 này, ngày hôm qua (1-8), Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, cả 4 thí sinh tham dự kỳ thi Ô-lim-pích Tin học quốc tế 2015 tại Ca-dắc-xtan đều đoạt huy chương (1 vàng, 3 bạc) xếp thứ 8/84 đoàn tham dự, đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Trước đó, vào đầu tháng 5-2015, khi tham dự kỳ thi Ô-lim-pích Tin học châu Á, đoàn Việt Nam cũng đoạt thành tích ấn tượng khi cả 6/6 em đoạt giải (gồm 3 vàng, 2 bạc, 1 đồng). Đặc biệt, có tới 3 thí sinh đoạt Huy chương vàng ở mức điểm tuyệt đối (300/300 điểm).

Không thể nghi ngờ gì về tính trung thực của các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế, lại càng không thể gọi những tấm huy chương danh giá ấy là sự “may mắn”. Sự thực, cả mấy chục năm nay, các đoàn Việt Nam khi tham dự kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế luôn đạt những thành tích cao. Rằng vui thì thật là vui, bởi sự thông minh, tính hiếu học, khả năng tiếp nhận kiến thức nhanh nhạy của học sinh Việt Nam, nhưng có lẽ cũng cần nhìn thẳng vào một thực tế: Có rất ít tài năng “buổi sớm” ấy trở thành nhân tài. Ngay cả những người từng góp phần làm rạng danh non sông, nay sống ở đâu, làm gì, cũng là điều “bí ẩn” với nhiều người...

Thực ra, việc nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế mới chỉ phản ánh phần nào tố chất của những tài năng, chưa thể khẳng định họ là nhân tài, càng chưa thể là hiền tài. Tài năng, ngoài tố chất bẩm sinh, thì việc ươm trồng, dưỡng dục, bồi bổ với sự khổ luyện không ngừng nghỉ mới thành. Cũng như vậy, nhân tài là kết quả của một quá trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, để họ thực sự phát huy phẩm chất, trí tuệ, trình độ, kỹ năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Rất tiếc, nhiều người trước khi trở thành nhân tài đã “một đi không trở lại” bởi những toan tính cá nhân và cả bởi họ không phải là hiền tài! Ở khía cạnh tổ chức, cũng phải thừa nhận một thực tế, chúng ta chưa thực sự đột phá trong công tác “chiêu hiền”, trọng dụng, gìn giữ tài năng; đồng thời, cũng chưa có chiến lược dài hơi về công tác xây dựng nhân tài với đầy đủ các nội dung từ phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đến bố trí, sử dụng một cách hợp lý; biết “giữ chân” nếu họ thực sự phát huy khả năng. Ươm trồng tốt nhưng không có cơ chế sử dụng, đãi ngộ, khuyến khích sự sáng tạo, thì nhân tài cũng không thể tỏa sáng, thậm chí bị thui chột, thất thế, lụi tàn… Hơn thế, nhân tài chỉ thực sự phát huy khả năng của mình khi đặt đúng vị trí. Có những người thể hiện sự tài ba khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, quản lý; có những người phát lộ với tư cách là một trí thức (như giảng viên, nhà khoa học, bác sĩ, văn nghệ sĩ); nhưng cũng có nhân tài chỉ đơn giản là một người thợ “bàn tay vàng”, “mắt kim cương”, nghệ nhân nổi tiếng...

Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và giữ nhân tài là chỉnh thể của một quy trình có tính chiến lược căn cơ, lâu dài. Với tiến trình đào tạo, giáo dục “xuyên quốc gia” như hiện nay, việc ươm nhân tài có những thuận lợi rất lớn. Các tài năng của Việt Nam có điều kiện du học, lĩnh hội, tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Điều cần thiết hiện nay là để tránh tình trạng chảy máu chất xám, việc tạo cơ chế sử dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài phải được tiến hành thực chất, đúng đắn, khách quan; tránh tình trạng hình thức trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Lựa chọn đúng người, bố trí đúng vị trí công việc bảo đảm sự phù hợp giữa tổ chức và con người, giữa con người và công việc; khen thưởng thích đáng với năng lực, trình độ và những đóng góp của cá nhân; tạo cơ hội để những người tài thử sức… là những yếu tố quan trọng trong tiến trình ươm và giữ người tài.

Theo  QĐND
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất